“Cứu cánh” của các địa phương miền núi
15 năm qua, Chương trình 135 luôn được đánh giá là một trong những chính sách quan trọng và có ý nghĩa đối với công cuộc phát triển KT-XH cũng như nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân vùng hưởng lợi. Đặc biệt, khi thực hiện chương trình NTM thì nó lại càng có ý nghĩa hơn, bởi nhiều địa phương đã được kế thừa thành tựu to lớn từ quá trình đầu tư trước đó và tiếp tục được hưởng lợi từ một nguồn lực đáng kể trong giai đoạn mới. Theo số liệu tổng hợp, tỉnh ta đã được hưởng 100.710 triệu đồng từ chương trình này, trong đó, có 74.600 triệu đồng được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng; 4.620 triệu đồng duy tu, bảo dưỡng các công trình, số còn lại dùng để giúp người dân đầu tư phát triển sản xuất và nâng cao sinh kế.
Nguồn hỗ trợ này của Chính phủ đã được các địa phương lồng ghép có hiệu quả với nguồn nội lực và các chương trình hỗ trợ khác để xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề để phát triển sản xuất. Ông Trần Văn Sơn (thôn Khe Năm, xã Sơn Kim 2 - Hương Sơn), người có mức thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng từ chăn nuôi lợn liên kết và mô hình VAC nhận xét: “Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, nhất là Chương trình 135 nên đường làng, ngõ xóm đã được đổ bê tông phẳng lì, nhà cửa khang trang, nhân dân phấn khởi phát triển sản xuất và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng. Đây thực sự là một nguồn lực quan trọng để các xã miền núi khó khăn vượt qua gian khó, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Chương trình hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ dù được triển khai trong thời gian chưa dài, tuy nhiên, ý nghĩa của nó trong việc tạo thêm nguồn lực phát triển cho các xã ở 2 huyện nghèo Vũ Quang và Hương Khê là không thể phủ nhận. Chương trình được triển khai đã phát huy tốt hiệu quả, không gây chồng chéo hay cản trở trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực khác. Những năm qua, hầu hết các địa phương hưởng lợi đã tận dụng tốt nguồn hỗ trợ này để tạo nên những “cú hích” mới trong quá trình hoàn thiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, nhất là các tiêu chí liên quan đến xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng.
Đến nay, 2 huyện miền núi hưởng lợi đã được Chính phủ đầu tư 449,843 tỷ đồng và địa phương cũng đã bố trí 77,6 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 55 công trình thiết yếu lớn nhỏ. Chúng tôi có nhiều dịp đến thăm các công trình này và đã thấy rõ ý nghĩa, hiệu quả đầu tư. Nhiều công trình giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong đi lại, thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai như ở Đức Giang, Đức Lĩnh (Vũ Quang); Hòa Hải, Hà Linh (Hương Khê). Các công trình đầu tư cũng đã giúp nhiều trường học kiên cố hóa hệ thống cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy học, giúp công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tốt hơn, các công trình thủy lợi phát huy hiệu quả trong phục vụ sản xuất…
“Điểm tựa” của vùng bãi ngang
Đồng hành với các chính sách hỗ trợ mang tính đặc thù khác, Chương trình 106 của Chính phủ cũng đang hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ của mình trong công cuộc phát triển KT-XH nói chung và xây dựng NTM nói riêng ở các xã khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Chương trình đi vào vùng hưởng lợi đã được đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân đón nhận, tổ chức thực hiện bài bản và có hiệu quả, nguồn lực đầu tư được phát huy tối đa. Bên cạnh nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 135 tỷ đồng, chương trình còn huy động khoảng 55 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và nhân dân để xây dựng hàng trăm công trình quy mô vừa và nhỏ ở các vùng hưởng lợi.
Ông Phan Đình Cương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng (Lộc Hà) cho biết: “Hưởng lợi từ chính sách 106, mỗi năm, địa phương được hỗ trợ 1,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này đã được lồng ghép có hiệu quả với các nguồn lực khác và đặc biệt phát huy hiệu quả khi cộng hưởng với các chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng của chương trình NTM. Việc phát huy hiệu quả nguồn 106 và huy động tối đa các nguồn lực khác đã giúp Thạch Bằng từ một xã yếu kém trở thành một trong những địa phương có hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, là điểm tựa để địa phương sớm về đích NTM, xứng đáng là bộ mặt của trung tâm huyện trong tương lai gần”.
Bên cạnh đó, Chương trình 106 cũng đã có những tác động không nhỏ trong việc giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí, nhóm tiêu chí liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, GD&ĐT. Theo đó, trong thời gian được triển khai, mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 3.000 cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang được hưởng phụ cấp 70% lương với tổng kinh phí hỗ trợ hàng năm khoảng 7 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm, có trên 57.000 học sinh, sinh viên được tiếp sức đến trường thông qua việc miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập và khoảng 15.000 trẻ em từ 3-5 tuổi đang học tại các trường công lập được hỗ trợ tiền ăn trưa với mức 120.000 đồng/em/tháng. Đây là chất “xúc tác” quan trọng để cán bộ và người dân cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo, nỗ lực vươn lên trong công cuộc xây dựng NTM.
Trong hành trình xây dựng NTM ở các xã đặc biệt biệt khó khăn ở cả miền núi lẫn miền biển, các chính sách đầu tư mang tính đặc thù có ý nghĩa to lớn. Vấn đề đặt ra là các địa phương cần phát huy hơn nữa yếu tố nội lực, tranh thủ tốt nguồn từ chương trình xây dựng NTM để tạo nguồn lực cộng hưởng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, xây dựng bộ mặt nông thôn khởi sắc, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Thu Phương - Tiến Phúc
theo baohatinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã