Vì vậy, tại thôn Hội Cát, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh với đặc điểm tự nhiên đất thịt pha cát, tơi xốp nên người nông dân nơi đây đã lựa chọn hẹ là cây rau chính để phát triển kinh tế vườn hộ, tăng thu nhập cho gia đình.
Trước đây, hầu như nhà nào ở thôn Hội Cát cũng có một khoảng đất nhỏ trồng cây hẹ, thường chỉ đủ trong gia đình dùng mà chưa chú ý nhiều đến hiệu quả kinh tế. Từ năm 2014, khi cả xã Thạch Long cùng vào cuộc chung tay xây dựng nông thôn mới, tập trung lựa chọn cây trồng, rau màu có hiệu quả kinh tế cao để phát triển kinh tế vườn hộ thì người dân nơi đây nhận thấy hẹ là cây rau thích hợp nhất với vùng đất của thôn. Đến nay, toàn thôn có đến 5 ha trồng hẹ với khoảng 80 hộ dân chuyên trồng giống cây này. Mỗi hộ dân trồng bình quân từ 1 – 2 sào hẹ trong đất vườn nhà mình.
Tới thăm gia đình chị Nguyễn Thị Vinh là một trong những vườn mẫu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã. Vườn nhà chị có diện tích trồng hẹ nhiều và cho hiệu quả kinh tế cao của thôn Hội Cát. Trước mắt chúng tôi là cả một vùng hẹ rộng tới cả nghìn mét vuông, có những luống xanh đậm đang cho thu hoạch, có những luống mới thu hoạch xong, bắt đầu ra lá non xanh mơn mởn,…. Theo chị Vinh: “Trồng hẹ đầu tư vốn ít nhưng lại có thu nhập ổn định và lâu dài. So với các loại rau màu khác có thể giá cao hơn hẹ nhưng cũng chỉ cho thu hoạch được một đến hai tháng thôi. Còn với hẹ, chỉ cần trồng 1 lần các tháng sau đó sẽ có thu hoạch đều đặn, gần như cho thu hoạch quanh năm”.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng hẹ lâu năm của mình, chị cho biết thường trồng bằng thân cây hẹ chứ ko gieo hạt, như vậy sẽ phát triển và cho thu hoạch nhanh hơn. Hẹ được tách ra từng tép, trồng mỗi bụi từ 3 - 4 tép, khoảng cách 15 x 15 cm, lấy tay ấn mạnh đất cho chặt. Sau khi trồng, tiến hành phủ trên luống bằng rơm rạ mục mỏng, tưới nước đủ ẩm. Hẹ dễ sống, dễ nảy chồi nên khi trồng bằng thân, hẹ mọc tốt lại tỉa trồng ra luống khác. Chị cũng lưu ý thêm đặc tính của cây hẹ là hay bị chết nhát trong giai đoạn mới trồng. Để hạn chế hiện tượng này thì trước khi trồng cần cắt bớt rễ của cây giống hẹ. Làm như vậy thì khả năng tái sinh của rễ sẽ tốt hơn và cây sẽ tạo chồi nhánh nhanh, khỏe giúp hạn chế hiện tượng chết nhát.
Hẹ là giống cây không chịu được hạn nên cần tưới nước đầy đủ, nhất là trong những ngày hè nắng nóng. Vì vậy gia đình chị đã lắp hệ thống tưới tiết kiệm nước dưới dạng phun mưa cho vườn hẹ của mình. Lúc mới trồng, chị tưới nước mỗi ngày 3 lần, đến khi cây hẹ đã bén rễ và phát triển tốt thì chỉ cần tưới mỗi ngày 2 lần, tránh tưới vào buổi trưa.
Khi chúng tôi đến thăm quan vườn hẹ cũng là lúc chị mới thu hoạch xong số hẹ trong ngày. Chị cho biết, do diện tích rộng (1.200 m2) lại chia ra làm nhiều luống nên thu hoạch xoay vòng, đều đặn ngày nào chị cũng có hẹ bán, mỗi ngày khoảng 35 bó. Chị chỉ tốn công thu hoạch, còn lại vào chợ đầu mối nhập giá sỉ cho thương lái, được 4000 đồng/bó. Như vậy, một ngày chị đã có 140.000 đồng chỉ riêng từ thu hoạch hẹ, mỗi tháng thu về hơn 4 triệu đồng, sau khi trừ chi phí về điện, nước, phân bón thì chị còn lãi 3 triệu đồng/tháng. Trong 1 năm, trừ thời gian trồng và chăm sóc thì có đến 9 tháng chị có cho thu nhập từ hẹ. Đây là khoản thu nhập khá cao và ổn định hơn các loại rau màu khác đối với đất vườn như nhà chị.
Học hỏi từ mô hình trồng hẹ của chị Vinh, giờ đây rất nhiều hộ trong thôn cũng đã tìm hiểu cách làm vườn như nhà chị. Đi dọc đường trục thôn Hội Cát, vườn chị Hằng, chị Nghĩa, chị Hoa,… nối tiếp nhau là màu xanh mát của hẹ.
Bà Trương Thị Vân, trưởng thôn Hội Cát cho biết thêm: “Chăm sóc hẹ chủ yếu là phân chuồng ủ hoai và lân. Mặt khác hẹ thường ít bị các loại sâu bệnh phá như những cây trồng khác nên đây là thực phẩm sạch, được ưa chuộng, thị trường tiêu thụ rất dễ, thu nhập ổn định. Không những thế, trồng hẹ không mất tiền mua giống, chi phí đầu vào thấp nên rất phù hợp với những hộ có diện tích đất sản xuất nhưng lại khó khăn về vốn, muốn vươn lên thoát nghèo. Vì vậy trong vòng 4 năm nay diện tích trồng hẹ ngày càng phát triển mạnh ở thôn chúng tôi”.
Hẹ chỉ là cây rau nhỏ bé trong vườn hộ nhưng nhờ chủ trương nâng cao thu nhập vườn hộ đúng đắn, tập trung, chuyên môn hóa sản xuất một loại cây của xã nên giờ đây trồng hẹ đang là một hướng đi thoát nghèo, tạo thu nhập ổn định cho người dân thôn Hội Cát, xã Thạch Long./.
Hà An/khuyennongvn.gov
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã