Học tập đạo đức HCM

Vào làng chằm áo tơi Yên Lạc

Thứ tư - 08/06/2016 02:46
Ở vùng đất “mưa úng đất, nắng nẻ trời” Hà Tĩnh có một sản phẩm độc đáo, được ví như là “áo giáp lá” giúp nguời dân nơi đây đối chọi với thời tiết khắc nghiệt, đó là áo tơi. Thôn Yên Lạc (xã Quang Lộc, huyện Can Lộc) có truyền thống chằm áo tơi đã 300 năm. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, áo tơi tưởng chừng như bị lãng quên. Nhưng với cách làm mới, sáng tạo, làng nghề này đang tiếp tục được gìn giữ và phát huy.

Rộn ràng làng nghề chằm tơi Yên Lạc.    

Làng nghề độc đáo 

“Áo tơi mẹ mặc một thời/ Che mưa, che nắng, che trời bão dông/ Hai sương một nắng trên đồng/ Cái nắng tháng sáu mưa dông ngày hè”… Áo tơi không những giúp ích cho cư dân Hà Tĩnh mà còn là chủ đề sáng tạo thi ca. Trải qua bao thăng trầm, biến động cùng lịch sử, nghề chằm  áo tơi ở xóm Yên Lạc vẫn tồn tại và giữ được nét riêng độc đáo của nó. 

Ông Đặng Văn Quang, tổ trưởng tổ hợp tác chằm tơi Yên Lạc cho biết: Xóm Yên Lạc có 165 hộ với 300 khẩu thì có đến 70% người biết chằm tơi, trong đó gần 80 hộ chằm tơi thường xuyên, có 4-5 khẩu trong một gia đình tham gia chằm tơi.

Vụ tơi chính thường kéo dài khoảng 2 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6, cũng có khi kéo dài đến tận tháng 8. Đây là thời kỳ cao điểm của nghề chằm tơi ở Yên Lạc vì thời gian này nắng nóng trở nên gay gắt và chuẩn bị vào mùa thu hoạch lúa nên nhiều người tìm đến tơi.

Cụ Đặng Thanh Lương, 96 tuổi, người cao tuổi nhất tại Yên Lạc chia sẻ, nghề chằm tơi ở Yên Lạc có từ cách đây khoảng 300 năm. Trong làng, dòng họ có nghề chằm tơi lâu đời nhất là họ Nguyễn và họ Đặng. Thời bé, cụ Lương thường theo ông nội đi chằm tơi. Thời ấy, tơi được dùng rất phổ biến, dù trời nắng hay mưa, bất kỳ ai ra đồng cũng đều cắp theo chiếc tơi.

Để chằm được một chiếc tơi phải trải qua rất nhiều công đoạn và cần sự tỉ mỉ, khéo léo cũng như tính cộng đồng mới hoàn thành được sản phẩm. Lá để làm tơi là lá cọ, được tuyển chọn từ những chiếc lá lành nhất, vừa đủ độ, không quá già mà cũng không quá non.

Từ tờ mờ sáng, đàn ông trong làng phải cơm đùm cơm nắm lên tận mạn trên, từ Hương Khê cho đến Vũ Quang để “đi lá”. Lá hái xong được sấy cho khô bớt rồi phơi 2 ngày 1 đêm để lá nở và dai hơn. Sau khi phơi xong, trẻ nhỏ và người già ở nhà vuốt lá, dùng dây thừng cắt ra từng đoạn để làm chiêng tơi.

Các cụ ông thì chẻ mây, đưa mây ra phơi rồi vót. Công đoạn cuối để hoàn thành chiếc tơi là chằm tơi. Không phức tạp, kỳ công như làm nón nhưng để chằm được một chiếc tơi cũng đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận của người làm. 

Mỗi vụ chằm tơi, một hộ làm thường xuyên có thể làm được đến 300 chiếc. Một chiếc áo tơi hiện nay trên thị trường có giá dao động từ 50.000 – 70.000 đồng. Thời gian gần đây, các thương lái cũng tìm đến mua để về bán cho các chợ trong tỉnh Hà Tĩnh. 

Nói về công dụng của áo tơi, bà Phan Thị Phương (xã Thạch Lưu, Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết: “Mùa gặt này mà không có cái tơi che sau lưng thì chắc tôi cũng chỉ đứng ngoài đồng được vài tiếng đồng hồ rồi về chứ chịu không nổi. Còn khi đã mang tơi thì trời trưa đứng bóng cũng vẫn vô tư mà thu hoạch lúa. Tơi không chỉ giúp che nắng mà còn che mưa rất hiệu quả, không khác gì áo mưa”.

Chằm áo tơi là nghề truyền thống nhưng cũng là một cách làm kinh tế. Người dân xóm Yên Lạc từ người già đến em nhỏ đều biết chằm áo tơi. Nghề này đã giúp cho người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay số người chằm tơi ngày càng ít đi, một phần vì lá để chằm tơi trở nên khan hiếm hơn, phần nữa do nghề chằm tơi tiêu thụ được ít sản phẩm hơn vì thế người dân nơi đây đang trăn trở tìm cách giữ nghề truyền thống. 

Tìm cách giữ nghề

Để tìm cách đi mới, hiệu quả, xã Quang Lộc đã ký hợp đồng với Công ty du lịch Xuân Thành (Hà Nội) để bán, quảng bá sản phẩm và giữ lại nghề truyền thống của cha ông. Đặc biệt, để mọi người biết đến nghề chằm tơi Yên Lạc nhiều hơn, gần đây, Trung tâm giáo dục cộng đồng xã Quang Lộc đã thực hiện chương trình du lịch “trải nghiệm khám phá làng chằm tơi”.

Ông Nguyễn Trọng Thể, Phó Chủ tịch UBND xã, giám đốc Trung tâm giáo dục cộng đồng xã Quang Lộc cho biết: “Nhận thấy trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, đối với dân thành thị, đặc biệt là các em nhỏ rất hào hứng với chiếc tơi. Xã Quang Lộc lại có vị trí thuận lợi để kết hợp làm du lịch như cách Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc và khu du lịch sinh thái Hồ Trại Tiểu 7 km, cách Khu lưu niệm anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng 3 km. Trung tâm học tập cộng đồng xã Quang Lộc đã trình bày ý tưởng hình thành tour du lịch khám phá trải nghiệm với UBND xã Quang Lộc và được lãnh đạo xã, nhân dân xóm Yên Lạc rất ủng hộ”.

Khách du lịch sẽ được khám phá làng chằm tơi bằng cách nghe giáo viên của Trung tâm giới thiệu về làng nghề truyền thống chằm tơi, cấu tạo chính của chiếc tơi và cách phân biệt tơi mùa nắng với tơi mùa mưa. Đặc biệt, du khách sẽ được trực tiếp thực hành từng công đoạn chằm tơi dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân làm tơi. Giữa buổi, du khách và nghệ nhân sẽ nghỉ giao lưu, ăn nhẹ các đặc sản dân dã như khoai lang, ngô luộc, uống nước chè xanh, xem một số phóng sự về làng tơi và tiếp tục hoàn thành chiếc tơi của mình.

Anh Nguyễn Quốc Hiệp, giáo viên Trung tâm giáo dục cộng đồng xã Quang Lộc chia sẻ: Sau tour thử nghiệm khá thành công, hiện nay đã có nhiều đoàn đăng ký tham gia khám phá làng chằm tơi Yên Lạc, chúng tôi sẽ cố gắng rút kinh nghiệm để chương trình được hoàn chỉnh hơn, thực sự trở thành chuyến trải nghiệm đáng nhớ đối với du khách tham gia.    

Theo: daidoanket.vn

 Tags: áo tơi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập300
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại808,819
  • Tổng lượt truy cập90,872,212
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây