Khó khăn trong việc kết nối, đa dạng nguồn hàng
Các mặt hàng OCOP Hà Tĩnh tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP ở thị xã Kỳ Anh một số thời điểm không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.
Sau một thời gian chuẩn bị các điều kiện về hàng hóa, cơ sở vật chất, thuê địa điểm…, đầu năm 2021, HTX Chế biến thủy hải sản Chiến Thắng đã khai trương cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP Hà Tĩnh tại thị xã Kỳ Anh. Cửa hàng đảm bảo các tiêu chuẩn quy định theo Quy chế quản lý điểm giới thiệu, bán sản phẩm tham gia chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh (Quyết định 4086/QĐ-UBND, ngày 01/12/2021 của UBND tỉnh).
Sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP Hà Tĩnh của HTX Chiến Thắng đã đạt doanh số bán hàng khá ổn định, bình quân 200 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo bà Đặng Thị Luận - chủ cửa hàng, việc có đủ các mặt hàng OCOP Hà Tĩnh tại cửa hàng ở một số thời điểm còn khó khăn. Nguyên nhân do công tác vận chuyển, cung cấp hàng từ cơ sở sản xuất đến cửa hàng không kịp và chi phí vận chuyển khá cao.
Nhiều sản phẩm OCOP của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên được giới thiệu và bán tại cửa hàng nông sản an toàn của Hội Nông dân tỉnh.
“Dịp tết, nhiều khách vào hỏi mua rượu nhung hươu Hương Sơn hay giò me Tiến Giáp (Hương Khê) nhưng hết hàng, chúng tôi phải gọi ship hàng từ các cơ sở sản xuất nhưng cũng mất ít nhất 1 buổi mới có hàng cho khách. Như vậy, cơ hội bán hàng của chúng tôi cũng như tiêu thụ hàng hóa của nhà sản xuất đã bị bỏ lỡ” – bà Luận cho hay.
Tương tự, tại Hương Sơn, tháng 7/2020, Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn cũng đã khai trương cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP Hà Tĩnh. Quá trình hoạt động vừa qua của cửa hàng đã bộc lộ một số khó khăn trong công tác vận chuyển và giao hàng của cơ sở với điểm bán hàng.
“Một số mặt hàng OCOP của các cơ sở sản xuất ở miền biển như nước mắm, ruốc, cá mờm rim…được khách hàng miền núi ưa chuộng nhưng nhiều lúc ra cửa hàng không có. Để cung cấp hàng cho khách, chúng tôi phải đưa hàng lên qua nhiều kênh vận chuyển khác nhau nên chi phí khá cao” - ông Trần Đình Chiến, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn cho hay.
Đó cũng là tình trạng chung của 16 điểm/cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thành phố, thị xã toàn tỉnh. Nhìn chung, số lượng, chủng loại hàng hóa các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP chưa phong phú, đa dạng để thu hút đông đảo người tiêu dùng và khách du lịch. Bình quân mỗi tháng, doanh số đạt 80 triệu đồng/cửa hàng. Đây là doanh số khá khiêm tốn so với các cửa hàng, đại lý có địa điểm, quy mô tương đồng.
Cần có đơn vị trung gian kết nối, phân phối sản phẩm OCOP
Tại buổi tọa đàm “Thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong thực hiện chương trình OCOP” ngày 9/4 vừa qua, các cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên và các chủ cửa hàng OCOP Hà Tĩnh ký kết hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Vừa qua, tại buổi tọa đàm “Thúc đẩy phát triển sản, xuất kinh doanh trong thực hiện chương trình OCOP” do Văn phòng NTM tỉnh tổ chức, các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP và các chủ cửa hàng đều cho rằng, khó khăn nhất hiện nay đó là công tác vận chuyển, dịch vụ để phân phối hàng hóa từ nhà sản xuất sản phẩm OCOP đến các cửa hàng tiêu thụ OCOP còn rất hạn chế.
Vì chưa có đơn vị làm trung gian, thu mua, phân phối nên mỗi cửa hàng phải tự đặt hàng trực tiếp từ nhà sản xuất, dẫn đến chi phí vận chuyển cao, hàng hóa đến không kịp thời. Do vậy, để hóa giải khó khăn này, cần phải có 1 đơn vị trung gian đứng ra làm công tác vận chuyển hàng hóa, sản phẩm, ít nhất mỗi ngày 1 chuyến hàng với đủ các mặt hàng đến và đi giữa các cửa hàng.
Hội Nông dân tỉnh đang có kế hoạch thành lập đại lý chuyên làm nhiệm vụ kết nối, phân phối các sản phẩm OCOP.
“Hầu hết các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đều là hội viên hội nông dân tại các địa phương. Trước những khó khăn, vướng mắc của các chủ thể sản xuất đồng thời cũng là hội viên, Hội Nông dân tỉnh đang có kế hoạch thành lập đại lý chuyên làm nhiệm vụ kết nối, phân phối các sản phẩm từ nhà sản xuất đến các cửa hàng OCOP trên toàn tỉnh. Bước đầu, việc đầu tư phương tiện vận chuyển, kho bảo quản hàng hóa cần có sự hỗ trợ, đầu tư của tỉnh” - bà Bùi Thị Nga, phụ trách Cửa hàng Nông sản an toàn của Hội Nông dân tỉnh đề xuất.
Ông Võ Tá Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, Hà Tĩnh là 1 trong số ít các tỉnh ban hành quy chế quản lý điểm giới thiệu, bán sản phẩm tham gia chương trình OCOP nhằm quản lý hệ thống phân phối sản phẩm OCOP đảm bảo tính đồng bộ, quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Để hệ thống này phát huy hiệu quả, ngoài chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực tập trung các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ hoạt động tiêu thụ để giảm chi phí trung gian trong vận chuyển, phân phối sản phẩm OCOP.
Nguồn tin: Thành Hoài/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã