Ước tính lứa gà thịt gần 1.000 con của ông Trần Bá Đàn (thôn Phú Hòa, xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên) có thể thu về 165 triệu đồng trong dịp này.
Được xem là “thủ phủ” gà của Cẩm Xuyên, thời điểm này, người chăn nuôi gà ở xã Yên Hòa đang rất phấn khởi vì giá gà thịt liên tục tăng.
Những ngày này, trại gà mía được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Trần Bá Đàn (thôn Phú Hòa, xã Yên Hòa) tấp nập thương lái đến đặt mua. Gia đình ông Đàn nuôi gà theo hình thức gối vụ, mỗi lứa khoảng 1.000 con.
Nhờ nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nên đàn gà của ông Đàn phát triển nhanh, cho chất lượng thịt tốt.
Ông Đàn cho biết: "Khoảng hai tuần trở lại đây, gà thịt tăng giá liên tục, gia đình rất mừng. Hiện tại, trại gà của gia đình tôi có gần 1.000 con. Nhờ nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, chú trọng kỹ thuật nuôi nên đàn gà phát triển nhanh, khỏe mạnh, sau 3 tháng là có thể xuất bán. Với mức giá 70 nghìn đồng/kg như hiện tại, lứa gà này gia đình tôi dự kiến thu về khoảng 165 triệu đồng; trừ hết chi phí, thu lãi khoảng 30 - 32 triệu đồng. Với đà này, lứa tới gia đình sẽ tăng số lượng nuôi lên 1.500 con”.
Cũng theo ông Đàn, mặc dù giá thức ăn cho gà tăng hơn trước, hiện đang ở mức 25 nghìn đồng/túi 25 kg, nhưng giá gà thịt tăng mạnh nên người chăn nuôi không lỗ, hầu hết các hộ nuôi gà đều phấn khởi thu lãi.
Giá gà thả vườn hiện đang được người dân bán với giá 110 - 120 nghìn đồng/kg.
Không chỉ gà nuôi theo hình thức công nghiệp tăng giá, thời điểm này, gà thả vườn nuôi nhỏ lẻ tại các hộ gia đình cũng đang được thương lái mua với giá cao.
Bà Nguyễn Thị Thắm, tiểu thương ở chợ Hội (Cẩm Xuyên) cho biết: “Thời điểm này, gà thịt trên địa bàn đang “nhảy giá” từng ngày. Hiện tại, với giống gà thả vườn chúng tôi đang mua với giá 110 - 120 nghìn đồng/kg, cao hơn trước khoảng 10 nghìn đồng/kg. Đối với giống gà mía tại xã Yên Hòa, chúng tôi đang lấy sỉ cả đàn từ 70 - 72 nghìn đồng/kg, nhưng nhiều lúc không có hàng để mua. Trong khi đó, trước đây giá gà mía chỉ dao động từ 50 - 55 nghìn đồng/kg”.
Cũng theo chị Thắm, giá các loại gia cầm tăng là do nhu cầu người tiêu dùng tăng cao, bởi hiện nay, nhiều người dân hạn chế sử dụng thịt trâu, bò, lợn do dịch viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra.
Hiện tại, các trại gà mía ở xã Yên Hòa đang bán gà với giá 70 - 72 nghìn đồng/kg.
Ông Phan Xuân Đức - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Hòa cho biết: "Xã Yên Hòa là địa phương chăn nuôi gà lớn nhất ở Cẩm Xuyên, với hơn 120.000 con. Trong đó, có khoảng 50.000 con đang đến kỳ xuất bán, tập trung chủ yếu ở các thôn: Phú Hòa (20.000 con), Bắc Hà (20.000 con)... Hiện tại, giá gà đang tăng mạnh nên người nông dân rất phấn khởi”.
Những ngày qua, không chỉ ở Cẩm Xuyên, người nuôi gà ở Vũ Quang cũng đang phấn khởi chăm sóc, mạnh dạn tái đàn với số lượng lớn.
Trại gà của anh Nguyễn Đức Thuận ở thôn Hương Giang (xã Đức Hương, Vũ Quang) có quy mô 10.000 con/lứa.
Với quy mô 10.000 con/lứa, trại gà của anh Nguyễn Đức Thuận ở thôn Hương Giang (xã Đức Hương) hiện đang là trang trại có quy mô lớn nhất huyện Vũ Quang. Anh Thuận cho biết: "Cách đây hơn 2 tuần, trang trại của tôi xuất bán 10.000 con gà thịt, thời điểm đó giá gà thịt chỉ mới đạt 60 nghìn đồng/kg, thấp hơn giá hiện tại 10 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, trang trại thu lãi gần 200 triệu đồng.
Ngay sau khi xuất bán, chúng tôi đã tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại, “đon” thời điểm giá gà đang tăng nhập thêm 10.000 con gà giống về nuôi. Nếu thị trường, giá cả những tháng tới ổn định, trại gà của tôi “hứa hẹn” sẽ mang về nguồn thu lớn. Do đó, chúng tôi rất quan tâm đến việc chăm sóc, phòng dịch trong giai đoạn này”.
Trại gà của anh Nguyễn Đức Thuận được xây dựng khép kín, hệ thống chăn nuôi hiện đại, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường.
Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Hiện tại, toàn tỉnh có trên 10 triệu con gia cầm, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, riêng gà có trên 8,5 triệu con. Tổng đàn này đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Giá gà thịt tăng là tín hiệu đáng mừng, phấn khởi cho người chăn nuôi, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh tế, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt”.
“Bên cạnh đó, trước khi tái đàn, tăng đàn nên khử trùng khu vực nuôi, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; lựa chọn nguồn giống có nguồn gốc rõ ràng; tuân thủ nghiêm lịch tiêm vắc-xin phòng bệnh. Đặc biệt, trước khi tăng đàn cần bám nắm, theo dõi cụ thể diễn biến của thị trường, tránh những hệ lụy không đáng có” - ông Hùng nhấn mạnh.
Toàn tỉnh hiện có trên 10 triệu con gia cầm, trong đó, gà trên 8,5 triệu con.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cũng thông tin thêm, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm và không gây bệnh trên người, hiện nay, các địa phương đang ráo riết thực hiện các biện pháp phòng, chống, khoanh vùng dịch bệnh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch ở các lò mổ cũng được chú trọng và kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo nguồn thịt an toàn đưa ra thị trường và đến với người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng không nên tẩy chay các loại thịt này.
Nguồn tin: Văn Chung/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã