Ông Nguyễn Tiến ở thôn Thúy Hội, xã Thạch Hưng thu hoạch đồng rau ngò của gia đình.
Cánh đồng sản xuất rau màu tập trung ở thôn Thúy Hội, xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) rộng hơn 5 ha, thuộc vùng chuyên canh lớn nhất TP Hà Tĩnh. Rau sản xuất ở vùng này chủ yếu “bán tươi” cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn hoặc nhập cho đầu mối buôn.
Thế mà, suốt cả tháng nay, rau “ế” đầy đồng, một phần là do nguồn cung từ các nơi đổ về, phần khác, giá quá rẻ khiến cho người nông dân không buồn thu hoạch. Người nông dân đành phải nhổ bỏ nhiều diện tích để dọn đồng, chuẩn bị chuyển sang sản xuất loại cây trồng khác. Một số người vì tiếc của nên ra đồng tranh thủ bòn góp lứa rau cuối cùng.
Ông Nguyễn Tiến, nông dân sản xuất trên cánh đồng rau tập trung thôn Thúy Hội cho biết: "Vụ này tôi làm hơn 4 sào rau nhưng so với mọi năm giá giảm chỉ còn 1/3. Hôm qua, tôi dùng máy cắt bỏ hết diện tích cải đã trổ ngồng vì không ai mua. Bây giờ chỉ còn lại hơn 1 sào rau ngò này đang cho thu hoạch, giá cũng chỉ 500 đồng/bó”.
Giá ngò chỉ 500 đồng/bó nhưng thị trường tiêu thụ chậm.
Nhìn tay ông, những bó ngò được buộc gọn gàng bằng chiếc lạt mềm cũng đã khá già. Mặc dù số hàng này sẽ càng “kén” người mua, song ông Tiến vẫn cố thu nốt để đổi lại chút ít tiền công chăm sóc. Hết số này thì ông cũng nghỉ hẳn, đợi đến tháng 7 - tháng 8 mới trồng trở lại.
Còn anh Bùi Đức Huệ (cùng xã) có hơn 3 sào đất, thời điểm này, anh vừa có thu hoạch rau mầm, vừa chuẩn bị vào mùa thu hoạch hành tăm.
Anh Bùi Đức Huệ chuẩn bị vào mùa thu hoạch hành tăm.
“Mấy chục năm làm rau thì hiếm có năm nào giá “rớt” như năm nay. Rau cải, cải cúc chỉ 1.000 đồng/bó; rau cải mầm đang có giá tốt nhất cũng chỉ 10.000 đồng/kg, giảm 1/3 so với trước. Vụ này, tôi đã phải bỏ hẳn hơn 1 sào rau cải, sắp tới đây còn thu hoạch hành tăm nhưng không biết giá có “nhích” hơn không” - anh Bùi Đức Huệ cho hay.
1 sào cải lá của anh Huệ đã ra hoa.
Cánh đồng sản xuất rau màu tập trung của thôn Thúy Hội, xã Thạch Hưng rộng hơn 5 ha, thuộc vào vùng chuyên canh lớn nhất TP Hà Tĩnh. Suốt cả tháng nay, giá rau xanh liên tục thấp, dư thừa nguồn cung, nhiều đồng rau đã bắt đầu quá lứa.
Người nông dân đành phải nhổ bỏ nhiều diện tích để dọn đồng, chuẩn bị chuyển sang sản xuất loại cây trồng khác. Một số người vì tiếc của nên ra đồng tranh thủ bòn góp lứa rau cuối cùng.
Thời điểm này, nhiều bà con đã bắt đầu phá bỏ cải để trồng loại cây khác.
Ông Bùi Thước ở thôn Thúy Hội cho biết: “Tôi đã dành suốt 2 ngày để nhổ bỏ số rau cải lên ngồng để kịp thời vụ gieo trỉa 1,5 sào ngô xuân. Thời tiết đang rất thuận lợi, ít hôm nữa tôi sẽ cày lại đất, bón phân và chuẩn bị gieo trỉa. Mùa nào cây nấy, người làm rau như chúng tôi chỉ mong được kết nối ổn định với các đầu mối thị trường chuyên nghiệp hơn để đỡ vất vả trong khâu tiêu thụ”.
Ông Bùi Thước chăm sóc ruộng khoai lang của mình
Người trồng rau ven đô TP Hà Tĩnh đang ở giai đoạn khó khăn nhất khi nguồn thu chỉ mong đổi lại được tiền giống và công chăm sóc suốt mấy tháng trời. Song, đây vẫn là nguồn thu nhập của hàng trăm lao động địa phương, bởi thế cánh đồng vẫn không ngừng sản xuất.
Nhá nhem tối, những chuyến xe máy nối nhau ra đồng chở hàng, những rổ rau được người nông dân sắp gọn gàng để chuẩn bị cho chuyến chợ vào sáng sớm mai. Dưới đồng ruộng, người tưới nước chăm sóc, mọi người vẫn tranh thủ chút nắng cuối cùng của ngày để tưới nước, làm đất cho vụ mùa mới.
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã