Chiều 23/2, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Ban Chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Hà Tĩnh họp nghe báo cáo về dự thảo nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về hoàn thiện chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu - Phó trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Hà Tĩnh chủ trì hội nghị.
Theo dự thảo nghị quyết, mục tiêu thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, tạo nền tảng bền vững cho phát triển chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số; gắn quá trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số với hiện đại hóa nền hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính.
Cùng đó, tiếp cận sâu hơn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chủ động và sáng tạo trong ứng dụng các giải pháp công nghệ, tạo động lực thúc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững; phát triển đồng bộ chính quyền số và đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh, từng bước hình thành và phát triển kinh tế số, góp phần tích cực vào tăng trưởng GRDP hằng năm của tỉnh.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Bùi Đắc Thế trình bày quá trình xây dựng và dự thảo nội dung nghị quyết.
Nghị quyết đề ra 18 chỉ tiêu phấn đấu cụ thể đến năm 2025 và 7 chỉ tiêu đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành lộ trình chuyển đổi số và hình thành chính quyền số với hệ thống dịch vụ số; duy trì Hà Tĩnh thuộc nhóm 20 và phấn đấu nhóm 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chính quyền số; nhân rộng mô hình đô thị thông minh ra 3 - 5 trung tâm đô thị của tỉnh; phát triển rộng rãi hệ thống dịch vụ đô thị thông minh trong toàn tỉnh.
Kinh tế số đến năm 2030 chiếm 30% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20% và năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%.
Ông Lê Văn Dũng - Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở TT&TT góp ý về những điểm cần hoàn thiện trong xây dựng chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số.
Để hoàn thành các mục tiêu này, nghị quyết đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với các giải pháp cụ thể.
Theo đó, thống nhất nhận thức, bảo đảm môi trường, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, kinh tế số; hoàn thiện chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số; xây dựng và phát triển đô thị thông minh; phát triển kinh tế số; phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng: Dung lượng dự thảo nghị quyết còn dài; một số mục tiêu, chỉ tiêu còn dàn trải, chưa cụ thể; một số mục như bối cảnh, thực trạng nên rút ngắn gọn hơn.
Tham gia góp ý vào dự thảo nghị quyết, các đại biểu cho rằng phải đánh giá rõ thực trạng, điều kiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số trên địa bàn tỉnh; đồng thời góp ý điều chỉnh, bổ sung một số đề mục, chỉ tiêu cụ thể, giải pháp thực hiện phù hợp, bảo đảm tính khả thi và có lộ trình thực hiện cho từng năm và cả giai đoạn.
Ông Trần Danh Việt - Giám đốc VNPT Hà Tĩnh cho rằng các nhà mạng hiện nay đủ điều kiện đáp ứng quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, tuy nhiên các tổ chức, cá nhân cần có quyết tâm thực hiện.
Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Công Thành: Thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chúng ta cần mạnh dạn có những đột phá. Không chỉ năm 2021 mà trong giai đoạn, chúng tôi tin rằng sẽ thực hiện được các chỉ tiêu đặt ra. Với các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Sở TT&TT sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện các nội dung nghị quyết.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu khẳng định tầm quan trọng của việc ban hành nghị quyết về hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đề nghị Sở TT&TT tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện đề án, nghị quyết về xây dựng chính quyền điện tử.
Nêu ra các chỉ số thực trạng về ứng dụng công nghệ thông tin, bối cảnh xây dựng chính quyền điện tử và phát triển chính quyền số trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, các cơ quan cần có quyết tâm cao trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục góp ý bằng văn bản; Sở TT&TT tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện đề án và dự thảo nghị quyết. Trong thời gian tới, cần có nhiệm vụ cụ thể để thực hiện công việc này. Trong tháng 3/2021 sẽ trình Tỉnh ủy để ban hành nghị quyết.
Với các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Ban Chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cơ quan thường trực là Sở TT&TT bám sát các nhiệm vụ để thực hiện.
Nguồn tin: Ngọc Loan/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã