Học tập đạo đức HCM

Tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp sau thép, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ Logistic, nâng cao hiệu quả hoạt động Khu kinh tế Vũng Áng, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững

Chủ nhật - 08/11/2020 11:21
Được sự quan tâm, nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện của cả hệ thống chính trị; trong những năm qua, ngành Công thương đã kế thừa, phát triển những thành tựu giai đoạn trước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 18/5/2018 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 86/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh là bước tiếp nối về các chủ trương, chính sách quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp của Hà Tĩnh. Các dự án công nghiệp lớn, trọng điểm đi vào hoạt động hiệu quả, sản lượng sản phẩm chủ lực tăng cao, thu hút nhiều dự án mới vào các khu, cụm công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 31,1%/năm, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP tăng nhanh, từ 12,4% năm 2015 lên 37,6% năm 2020.

 Khu kinh tế Vũng Áng từng bước khẳng định vai trò động lực, đóng góp hơn 56% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, trên 95% số thu xuất nhập khẩu, chiếm 90% giá trị sản xuất công nghiệp và 87% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh. Đến nay, tại Khu kinh tế Vũng Áng có 84 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký 48,7 ngàn tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký 13,6 tỷ USD, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 ngàn lao động. Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (giai đoạn 1 với tổng vốn giải ngân hơn 12,4 tỷ USD) đi vào hoạt động, cung cấp ra thị trường trên 29 triệu tấn thép, trở thành hạt nhân tăng trưởng của nền kinh tế. Cảng nước sâu Sơn Dương đến nay đã có 12 bến cảng đi vào hoạt động chính thức, có bến cho tàu trọng tải đến 30 vạn tấn; cảng tổng hợp Vũng Áng đã sắp hoàn thành tất cả 7 bến với công suất 15 triệu tấn/năm.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả, song việc phát triển Khu kinh tế Vũng Áng vẫn còn một số vấn đề đặt ra, đòi hỏi tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Trước hết, công tác quản lý nhà nước đối với các dự án lớncòn gặp nhiều khó khăn. Việc xẩy ra sự cố môi trường biển năm 2016 đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng. Đến nay, Công ty TNHH hưng nghiệp gang thép Formosa Hà Tĩnh đã đầu tư bổ sung hệ thống xử lý môi trường hiện đại với tổng kinh phí 343 triệu USD, được Bộ Tài Nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Công ty đã đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chưa thật sự hiệu quả để nhân dân trong tỉnh, trong cả nước hiểu rõ về sự chấp hành của Nhà đầu tư và tác động tích cực từ dự án. Điều đó dẫn đến các thế lực thù địch lợi dụng để gây điểm nóng, làm mất trật tự an ninh trên địa bàn; ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư.

Thứ hai, việc thu hút các dự án đầu tư từ sau sự cố môi trường còn hạn chế, còn thiếu các chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sau thép. Hiện nay, dự án đầu tư vào Khu kinh tế được hưởng ưu đãi như đầu tư vào các khu vực khác trên cả nước; mặc dù tỉnh có chính sách hỗ trợ khi đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng tại Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND ngày 27/4/2007, tuy nhiên chính sách chưa đủ mạnh để hấp dẫn nhà đầu tư đến với Khu kinh tế Vũng Áng nằm ở khu vực có điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, xa các trung tâm kinh tế lớn, nên đến nay chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Thứ ba, kết cấu hạ tầng nói chung và các khu, cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập. Hệ thống giao thông kết nối Khu kinh tế Vũng Áng với các khu vực kinh tế khác chưa đáp ứng yêu cầu, Quốc lộ 12C tuyến huyết mạch giao thương Quốc tế chưa được đầu tư đủ năng lực theo quy hoạch, Quốc lộ ven biển chưa hoàn thành. Phát triển dịch vụ Logistics tại khu kinh tế còn bất cập; Giao thông đối nội trong Khu kinh tế Vũng Áng đang còn manh mún, chưa tương xứng với thực tiễn và mục tiêu phát triển. Với hạ tầng kỹ thuật còn nhiều hạn chế như vậy, đã ảnh hưởng trực tiếp đên sức hấp dẫn đầu tư và làm giảm các lợi thế tiềm năng sẵn có của Khu kinh tế Vũng Áng; mặc dù đây là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm của cả nước nhưng nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương còn thấp so với nhu cầu đầu tư.

Thứ , một số tồn đọng tại Khu kinh tế chưa được xử lý dứt điểm, nhất là chưa tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư phục vụ thi công các dự án trọng điểm. Việc bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư theo hình thức cuốn chiếu, giao từng phần đã làm chậm tiến độ dự án đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề tại địa phương chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng của nhiều nhà đầu tư.

 

Hiện nay, phát triển công nghiệp tại Khu kinh tế Vũng Áng đã có nền tảng khá vững chắc, sản lượng thép và phôi thép của Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã đạt hơn 7 triệu tấn/năm, chưa tính đến giai đoạn 2. Hạ tầng cung cấp điện, nước khá hoàn thiện, với hệ thống lưới điện 500 kV Bắc Nam, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.200 MW; tổ hợp nhiệt điện của Formosa công suất trên 650 MW; dự án cung cấp nước công nghiệp cho Khu kinh tế công suất trên 01 triệu m3/ngày/đêm. Trong thời gian tới, hệ thống hạ tầng kết nối giao thông Khu kinh tế Vũng Áng và khu vực sẽ có nhiều thuận lợi hơn, như tuyến đường ven biển sẽ hoàn thành trong năm 2021; đường bộ cao tốc Bắc Nam đang chuẩn bị khởi công. Các dự án lĩnh vực năng lượng đã và đang được bổ sung quy hoạch sẽ được triển khai trong thời gian tới cùng với việc nhiều nhà đầu tư lớn đang tìm hiểu cơ hội đầu tư, Khu kinh tế Vũng Áng sẽ tạo ra triển vọng phát triển nhanh, tương xứng với vai trò là trung tâm kinh tế của tỉnh và khu vực.

Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XIX nhấn mạnh “Bốn trụ cột - Ba nền tảng” và “Ba đô thị - Một trung tâm - Ba hành lang” làm trọng điểm phát triển kinh tế tỉnh giai đoạn ‎2021- 2030; trong đó, xác định Khu Kinh tế Vũng Áng đóng vai trò là “Một trung tâm”; công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, dịch vụ cảng biển, logistics là những trụ cột của nền kinh tế; thị xã Kỳ Anh gắn với Khu Kinh tế Vũng Áng là hạt nhân của đô thị phía Nam; huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực và logistics là một trong ba đột phá chiến lược trong giai đoạn tới.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, phát huy tiềm năng, cơ hội, trong thời gian tới cần tập trung một số giải pháp như sau:

Một là, nghiên cứu, rà soát điều chỉnh Quy hoạch Khu kinh tế Vũng Áng phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ động phối hợp, làm việc với các bộ, ngành trung ương trong việc bổ sung kịp thời quy hoạch các dự án lớn về năng lượng điện, khí... Phát triển thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng xứng tầm là trung tâm công nghiệp, thương mại, đô thị cấp vùng.

Xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư, cụ thể tập trung 04 nội dung: (1) Ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025; (2) Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế Hà Tĩnh nhanh và bền vững; (3) Rà soát xây dựng cơ chế chính sách đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng và các khu công nghiệp Hà Tĩnh; (4) Xây dựng một số chính sách hỗ trợ hoạt động xuất khẩu gắn phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025.

Hai là, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là đối với các dự án lớn. Trong đó chú trọng kiểm soát công nghệ sản xuất ngay từ giai đoạn thẩm định hồ sơ, cấp giấy chứng nhận đầu tư, đảm bảo thu hút các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; đồng thời kiểm soát, giám sát chặt chẽ quy trình xả thải, xử lý môi trường trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách, môi trường sản xuất kinh doanh trong phát triển Khu Kinh tế Vũng Áng.

Ba là, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư chiến lược, có tiềm năng, với 03 nhiệm vụ trọng tâm gồm: (1) xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư công nghiệp hỗ trợ sau thép, dịch vụ cảng biển và logistics, năng lượng mới; lập danh mục các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên để kêu gọi thu hút đầu tư, chú trọng công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sau thép như cơ khí chế tạo, sản xuất phụ tùng, linh kiện, đồ gia dụng...; xúc tiến bổ sung quy hoạch, triển khai dự án Cảng Trung tâm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Hà Tĩnh ASEAN gắn với Tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng; (2) Tạo điều kiện để Dự án Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh triển khai giai đoạn 2 nhằm tăng công suất sản xuất thép, chú trọng các loại thép công nghiệp; thúc đẩy, sớm triển khai các dự án tại khu công nghiệp phụ trợ 200 ha trong khuôn viên Formosa để cung cấp nguồn thép chất lượng cao là nguyên liệu đầu vào cho việc thu hút các dự án công nghiệp sau thép, công nghiệp hỗ trợ tại Khu Kinh tế và các vùng phụ cận; (3) Thúc đẩy và nâng cao vai trò của Công ty Formosa trong thu hút các dự án đầu tư công nghiệp sau thép; Công ty TNHH đầu tư xây dựng hạ tầng Phú Vinh và Công ty TNHH thương mại và đầu tư Lợi Châu trong thu thút các dự án công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo vào KCN Phú Vinh, CCN Lợi Châu.

Bốn là, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế. Xây dựng Đề án đưa Khu kinh tế Vũng Áng vào nhóm các khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia, làm việc với Trung ương để được ưu tiên tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông huyết mạch như: đường từ cảng Vũng Áng đến khu liên hợp gang thép Formosa; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 12C. Ưu tiên nguồn lực để thực hiện các chính sách phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 86/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Năm là, phát triển dịch vụ logistics trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế. Sớm hoàn thành, phê duyệt quy hoạch chi tiết Trung tâm logistic Vũng Áng -Sơn Dương; đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào, hạ tầng giao thông kết nối với Quốc lộ 12C tạo sức hấp dẫn cho việc thu hút, kêu gọi đầu tư Trung tâm Logistic Vũng Áng - Sơn Dương và phát triển các dịch vụ hậu cảng (như xếp dỡ, kho bãi, kiểm định hàng hóa...v.v.).

Sáu là, tập trung sự tham gia đồng bộ của hệ thống chính trị để xử lý dứt điểm các tồn đọng tại Khu kinh tế; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các hồ sơ thủ tục liên quan đến triển khai các dự án, công trình trọng điểm. Sớm thành lập quỹ giải phóng mặt bằng, chủ động mặt bằng sạch, sẵn sàng cho các nhà đầu tư.  

Ngoài ra, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao điều kiện về thu nhập và chính sách xã hội để thu hút nhân lực chất lượng cao, công nhân có tay nghề về làm việc tại địa phương, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng lao động cho các nhà đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường ứng dụng dịch vụ công trực tuyến; đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu đề ra.

 

Hoàng Văn Quảng - TUV, GĐ Sở Công Thương/http://socongthuong.hatinh.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập133
  • Hôm nay42,860
  • Tháng hiện tại700,929
  • Tổng lượt truy cập90,764,322
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây