Theo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 345 hồ chứa với tổng dung tích trên 785,6 triệu m3 nước, hàng năm đảm nhiệm tưới chủ động cho hơn 63.454/95.000 ha lúa cả năm. Ngoại trừ một số hồ lớn được xây dựng và nâng cấp theo tiêu chuẩn thiết kế mới, còn lại hầu hết được xây dựng từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước nên đã xuống cấp nghiêm trọng, trong khi tác động của biến đổi khí hậu khiến các đỉnh lũ xuất hiện với tần suất cao đe dọa đến an toàn của nhiều công trình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: "Các địa phương phải xem việc đảm bảo an toàn hồ chứa là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến kết thúc mùa mưa lũ" |
Từ năm 2003 đến nay, được sự quan tâm của trung ương, các tổ chức quốc tế, toàn tỉnh đã tu bổ, nâng cấp 67 hồ chứa xung yếu, tuy vậy vẫn còn khá nhiều công trình thủy lợi nhỏ lẻ do các địa phương, đơn vị thủy nông cơ sở quản lý đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Trong điều kiện nguồn lực đầu tư có hạn như hiện nay, ngành NN&PTNT đề xuất giải pháp trước mắt (năm 2012) cho các địa phương, đơn vị là phải tranh thủ lúc mực nước xuống thấp để kiểm tra toàn diện các hồ chứa nhằm đánh giá mức độ an toàn để ưu tiên xử lý; rà soát, bổ sung và ban hành quy trình vận hành điều tiết; chuẩn bị tốt phương án "4 tại chỗ" để kịp thời ứng cứu khi có sự cố…
Về lâu dài, cần đánh giá đúng thực trạng các hạng mục và công trình phụ trợ để phân kỳ đầu tư hợp lý; các hồ chứa có dung tích từ 5 triệu m3 trở lên cần nghiên cứu xây dựng tràn điều tiết sâu có cửa để chủ động điều tiết cắt, giảm lũ nhằm đảm bảo an toàn cho công trình; đổi mới và nâng cao năng lực quản lý cho các đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác, nhất là với các tổ chức ở cơ sở và các tổ hợp tác dùng nước; đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc, lượng mưa, mực nước cho các hồ chứa từ 0,2 triệu m3 trở lên để chủ động đối phó với thiên tai…
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh, các địa phương phải xem việc đảm bảo an toàn hồ chứa là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến kết thúc mùa mưa lũ. Theo đó, cần đánh giá sát hiện trạng các hồ chứa để có phương án xử lý đảm bảo an toàn, trong đó ưu tiên các công trình hư hỏng nặng theo hướng huy động các cấp ngân sách của địa phương mình; chủ động tiếp nhận việc phân cấp và tiến hành phân cấp công trình, đồng thời chuẩn bị sẵn vật tư, nhân lực tại chỗ để kịp thời ứng cứu các sự cố; tăng cường phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, vận hành các công trình thủy lợi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư, BQL dự án đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình gắn với đảm bảo chất lượng, trong đó phải tính kỹ phương án vượt lũ để đảm bảo an toàn.
Về phía ngành chuyên môn là Sở NN&PTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đề nghị tăng cường kiểm tra, giúp đỡ cơ sở trong việc đảm bảo an toàn hồ chứa, đồng thời phối hợp với các ngành liên quan trong việc đánh giá chất lượng xây dựng cũng như kinh phí xử lý các công trình bức bách...
Theo Hải Xuân
Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã