Từ ưu đãi DN, hỗ trợ lao động
Tôi cùng người bạn đồng nghiệp về huyện lỵ Nông Cống một ngày cuối thu. Con đường nhựa ngoằn ngoèo, uốn lượn quanh những cánh đồng vừa được thu hoạch, giờ trơ gốc rạ. Đang thả hồn theo ngọn gió heo may chỉ kịp lay nhẹ ngọn cỏ lau ven đường; bất chợt đồng nghiệp hỏi: Có biết câu “Được mùa Nông Cống sống mọi nơi” có từ bao giờ không? Tôi lúng túng: “Ừ nhỉ! Câu ca có từ bao giờ mà người xứ Thanh ai ai cũng biết”.
Nông Cống là huyện thuần nông, nhưng đồng đất chỗ sâu trũng, nơi lại chua phèn, quanh năm bốn mùa chưa mưa đã úng chưa nắng đã hạn. Đây là rào cản cho SXNN của địa phương. Có lẽ câu ca cũng bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa này.
Nông Cống vốn ít nghề phụ, kinh tế đã kém phát triển, lại có nhiều lao động dư thừa. Bài toán làm thế nào để tận dụng sức lao động dư thừa, tăng kinh tế hộ mà người dân “ly nông không ly hương”; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành nghề công nghiệp, TTCN, giảm tỷ trọng nông nghiệp…khiến lãnh đạo huyện các nhiệm kỳ không khỏi băn khoăn, trăn trở.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng NTM, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng là một trong những tiêu chí phải đạt được ở mỗi địa phương. Song song với SXNN, để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập ổn định cho nhân dân, từ năm 2003 huyện đã xây dựng Đề án 309 về phát triển CN, TTCN, làng nghề.
Theo đó, hàng năm hoặc qua mỗi giai đoạn, huyện lại có những cơ chế, chính sách kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ DN đào tạo nghề cho lao động; hỗ trợ học và duy trì nghề...
Theo chân cán bộ Phòng Công thương huyện đi thăm các xã đang phát triển nghề TTCN. Suốt chặng đường đi, chúng tôi bị cuốn hút xung quanh câu chuyện phát triển nghề truyền thống, đào tạo nghề mới... Được biết, tháng 7/2012, huyện ban hành chính sách khuyến khích phát triển TTCN và làng nghề giai đoạn 2012 - 2015.
Trong đó có những quy định hấp dẫn DN cũng như người lao động trong đào tạo, học nghề như hỗ trợ 100.000 đ/lao động cho DN dạy nghề cho 30 người trở lên và lao động có thu nhập bình quân tối thiểu 600.000 đ/tháng trong 6 tháng. Hỗ trợ 300.000 đ/người trong quá trình học và duy trì nghề từ 6 tháng trở lên...
… Đến hiệu quả
Có thể nói đào tạo, phát triển nghề TTCN đang như một luồng sinh khí mới tràn về trên khắp thôn, làng. Chúng tôi đến thăm lớp học nghề mây tre đan ở thôn Tân Chính, xã Công Chính, một trong những xã nghèo nhất huyện. Nghe chị Đỗ Thị Bình, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã kể chuyện: Dưới chân núi Đông này, 1.750 hộ với hơn 7.000 dân, trong đó có đến 50% là dân theo Công giáo; họ vẫn miệt mài một nắng hai sương.
Hy vọng thoát nghèo, những người đàn ông, phụ nữ, những thanh niên của xã lần lượt đi làm ăn tận trong nam, ngoài bắc. Ở nhà chỉ còn người già, trẻ em. Nay đưa được nghề về xã, hy vọng số chị em đang đi giúp việc gia đình nơi xa về học nghề, làng trên xóm dưới đỡ vắng vẻ đìu hiu, con trẻ có mẹ ở bên kèm cặp, chăm lo đỡ nheo nhóc, thất học.
Lúc chúng tôi có mặt, lớp học nghề có khoảng trên 30 người. Đây là lớp học đầu tiên được mở ra tại xã Công Chính. Nghe bà con kể chuyện đi học nghề, ai cũng mừng. Bởi lẽ, thời gian học nghề ngắn (2 tháng), người học không phải đóng tiền mà còn được “lĩnh lương” nữa.
Chị Hoàng Thị Duyên, phụ trách lớp học cho biết: “Lớp có 50 người, chủ yếu là phụ nữ. Người học chỉ phải bỏ công, còn nguyên vật liệu do DN cung cấp. Làm được bao nhiêu, DN bao tiêu hết bấy nhiêu. Mỗi người được Cy trợ giá 2.000 đ/sản phẩm, cộng 14.000 đ tiền công cho mỗi sản phẩm hoàn chỉnh. Như vậy, mỗi sản phẩm làm ra sẽ được 16.000 đ. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ 300.000 đ/người/tháng”.
Quan sát, chúng tôi bắt gặp lẫn trong mấy chục con người, với bộn bề sản phẩm chao đèn và nguyên liệu, bóng một em bé ước chừng hơn 2 tuổi chạy hết nơi này đến nơi khác thật ngộ nghĩnh. Hỏi ra mới biết, mẹ em là Lê Thị Tâm (20 tuổi) đang theo học nghề tại đây. “Em mang cháu ra lớp, vừa học nghề vừa trông cháu vì ở nhà không còn ai, bố cháu đã vào nam kiếm việc làm…”, Tâm chia sẻ.
Giữa xôn xao câu chuyện, lời nói, tiếng cười, có em gái cứ lặng lẽ thoăn thoắt tay
Theo cách tính của cán bộ Phòng Công thương huyện và chị Duyên, với sản phẩm chao đèn lồng xuất khẩu, mỗi người thành thạo nghề làm một ngày sẽ có thu nhập trên dưới 40.000 đ. “Nếu gia đình có hai, ba người làm, mỗi tháng sẽ có thu nhập khoảng 2 - 3 triệu đồng”, chị Duyên cho hay. |
đan. Em là Lê Thị Hỏi, học sinh lớp 9 trường THCS Công Chính. Hỏi chuyện, em ngừng tay trả lời: “Gia đình em thuộc hộ nghèo. Em và mẹ cùng tham gia lớp học nghề. Để làm ra sản phẩm, em chỉ cần chăm chỉ, tiếp thu trong vài ngày là làm được. Em thường tranh thủ vào những buổi không phải đến trường để học nghề. Mong là em có thể kiếm được tiền, tự mua sách vở và đồ dùng học tập đỡ cho mẹ”.
Hỏi về cách thức thu mua sản phẩm, cũng như tạo công ăn việc làm cho lao động, chị Duyên cho biết: Khi người dân đã học thành thạo nghề, Cty TNHH Quốc Đại ở xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) sẽ cung cấp nguyên vật liệu để lao động đem về nhà tự làm. Cty có xe về tận nơi nhận hàng, lao động chỉ làm công tại nhà, rồi đến cuối tháng nhận lương.
Những kinh nghiệm
Chia tay xã Công Chính, chúng tôi mang theo niềm tin ngày mai tươi sáng của cháu Hỏi, chị Tâm cùng hàng chục chị em trong lớp học nghề. Chia sẻ niềm vui này với ông Lê Trọng Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, ông cười hồn hậu: Công Chính là xã thứ 13 trong huyện được mở lớp học nghề mây tre đan. Mặc dù giá trị ngày công chưa cao, nhưng nghề này dễ làm, dễ nhân rộng, và quan trọng đã giúp lao động nông thôn có được việc làm, tăng thu nhập.
Ông Hùng cho biết: Chúng tôi đã hướng dẫn các xã ký cam kết để đảm bảo quyền cũng như nghĩa vụ giữa DN với người lao động như lao động phải giao sản phẩm đủ, đúng thời gian cho DN; DN phải cung cấp đủ nguyên liệu, thu mua hết sản phẩm và thanh toán 100% tiền công cho lao động… |
Ông Hùng cho biết thêm: Toàn huyện có 30/33 xã phát triển được nghề TTCN với gần 8.000 lao động. Những năm trước, người dân nông thôn không tha thiết với nghề. Nhưng 2 năm trở lại đây, thấy rõ hiệu quả mà nghề TTCN mang lại, nhu cầu học nghề của nông dân còn rất lớn.
Xác định nghề TTCN không phải là “nghề phụ”, bằng các biện pháp hỗ trợ, kích cầu, lãnh đạo huyện vẫn đang cố gắng duy trì, phát triển nghề truyền thống, mở rộng nghề mới có hiệu quả và thu nhập ổn định. Nông Cống từ xa xưa đã nổi tiếng khắp vùng với sản phẩm đan lát và nón lá truyền thống. Tuy nhiên việc SX, tiêu thụ chủ yếu vẫn là tự phát và nhỏ lẻ. Vì vậy, huyện định hướng thành lập các HTX TTCN, tổ, nhóm SX, xác lập thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Để tiêu thụ sản phẩm ổn định, theo ông Hùng, huyện đã tìm và chỉ chấp thuận cho những DN có uy tín, kinh doanh hiệu quả vào đào tạo và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Cty Quốc Đại (xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa) là một ví dụ. Họ đã có kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ mặt hàng mây tre đan hàng mấy chục năm. Và hiện giờ, hàng mây tre đan XK của 13 xã trong huyện là do DN này chịu trách nhiệm.
Bình Minh
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã