Tập trung nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao được xác định là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn hội nhập.
* Xã nghèo về đích
Nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 của Chính phủ với gần 20% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) đã vươn lên trở thành lá cờ đầu của Đồng Nai trong xây dựng nông thôn mới năm 2015.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của nông dân tại xã Phú Đông (huyện Nhơn Trạch). |
Xuất phát điểm của xã rất thấp với tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 17,6% dân số. Chương trình giảm nghèo được cả hệ thống chính trị xã đặc biệt quan tâm, thực hiện bằng nhiều hình thức, như: thành lập các hợp tác xã, câu lạc bộ sản xuất để chuyển giao khoa học kỹ thuật; hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp vay vốn ưu đãi, vận động quỹ đóng thành lập ngân hàng con giống để cung cấp bò, dê cho hộ nghèo chăn nuôi...
Nhờ vậy, đến cuối năm 2014, xã chỉ còn 21 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ chưa đến 1%; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới trong năm 2015 cũng chỉ chiếm hơn 2%. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 35 triệu đồng/người/năm.
Chia sẻ kinh nghiệm huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới, ông Trịnh Đình Tâm, Chủ tịch UBND xã Xuân Thiện, cho rằng: “Tùy vào thực tế mà chúng tôi chọn cách làm phù hợp. Với đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi phát huy vai trò, uy tín của các già làng, trưởng bản để vận động bà con. Trong đó, cán bộ, đảng viên luôn đi đầu trong các phong trào”.
Xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) từng là địa phương bị bom cày, đạn xới trong chiến tranh. Sau giải phóng, xã chỉ còn lại rừng tre và đồng hoang với thu nhập bình quân đầu người chỉ 6 triệu đồng/năm. Xã xây dựng nông thôn mới với rất nhiều khó khăn, như: thu nhập bình quân chỉ đạt hơn 17 triệu đồng/người/ năm; dân cư chủ yếu sống rải rác trong vườn, rẫy; đường giao thông nông thôn trục ấp, ngõ xóm chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp; điện khí hóa phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt chưa được đáp ứng... Xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp dân hiểu và chủ động tham gia. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 36,6 triệu đồng/năm. Toàn xã không còn hộ nghèo, không còn nhà tạm, nhà dột nát.
* Làm nông công nghệ cao
Chương trình nông thôn mới năm 2015 gắn với quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng, vùng chăn nuôi tập trung; tổ chức chuỗi liên kết trong sản xuất để tạo đầu ra bền vững cho nông sản. Mục tiêu là chuyển nền sản xuất nông nghiệp từ manh mún, nhỏ lẻ sang hướng sản xuất quy mô lớn; ứng dụng giống mới và tiến bộ khoa học, công nghệ nhằm tăng sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp trong hội nhập. Ông Bùi Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Phú Đông (huyện Nhơn Trạch), nhận xét: “Điều kiện thổ nhưỡng của địa phương chủ yếu chỉ phát triển được cây lúa và cây mía. Nhưng cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, địa phương tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là đường sá, kênh mương nên nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Trong đó, các mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng rau trong nhà lưới... theo hướng an toàn mang lại lợi nhuận cao đang thu hút nhiều nông dân quan tâm”.
Xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất) vừa đạt chuẩn xã nông thôn mới cũng là địa phương có thành tích nổi bật trong xây dựng nông thôn mới nhờ nông dân trên địa bàn xã quan tâm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi. Tính đến nay, khu quy hoạch chăn nuôi tập trung trên địa bàn xã đã thu hút được 20 trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp với quy mô lớn vào đầu tư.
Ông Phạm Như Hi, nhóm trưởng nhóm GAHP (nhóm chăn nuôi theo quy trình an toàn thuộc dự án Lifsap) tại ấp Nam Sơn, xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), chia sẻ: “Không chỉ những trang trại lớn mà các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng ngày càng quan tâm đầu tư công nghệ, ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn. Người chăn nuôi mong muốn xây dựng được thương hiệu thịt sạch của vùng chăn nuôi lớn nhất cả nước để đáp ứng tốt thị trường trong nước và đạt chuẩn xuất khẩu”.
Theo Bình Nguyên/baodongnai.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã