Ông có thể đánh giá đôi nét về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trước khi thực hiện chương trình XDNTM?
Nghệ An nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, đất rộng, người đông với diện tích 16.490,25km2, lớn nhất nước; dân số hơn 3 triệu người, xếp thứ tư cả nước, trong đó có trên 70% dân số làm nông nghiệp, 36,5% dân số miền núi là đồng bào các dân tộc thiểu số. Là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ các tuyến giao thông thủy, bộ, hàng không và đường sắt Bắc - Nam, điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú, Nghệ An có nhiều thuận lợi trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, khi bắt tay thực hiện chương trình XDNTM, chúng tôi xác định thuận lợi cũng nhiều mà khó khăn cũng không ít.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngay từ đầu, Ban chỉ đạo XDNTM đã huy động toàn lực, cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận người dân để bà con hiểu, XDNTM chính là xây dựng cuộc sống mới cho chính gia đình, bản thân mình. Nhờ đó, từ các cấp ủy, chính quyền đến các thành phần kinh tế đều xem XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của tháng, quý và của năm. Phong trào XDNTM nhanh chóng lan tỏa, tất cả các địa phương đi vào thực hiện một cách bài bản, cụ thể, mỗi địa phương đều có những cách làm sáng tạo và hiệu quả.
Đồng chí Hồ Đức Phớc (thứ 2 từ phải sang), Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác của tỉnh tham quan mô hình nuôi trồng cam tưới nước nhỏ giọt tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp.
Chúng tôi thực hiện XDNTM theo đúng quy trình hướng dẫn của Ban chỉ đạo XDNTM Trung ương. Theo đó, huyện, xã thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý, tổ giúp việc tiến hành khảo sát thực tế từng vùng, từng địa phương để xây dựng quy hoạch tổng thể. Đây là nền tảng để thực hiện các tiêu chí khác, nên sau hơn 3 năm bắt tay vào XDNTM, Nghệ An đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ.
Xin ông cho biết cụ thể những kết quả nổi trội ấy là gì?
Đến nay, 431/431 xã trên địa bàn toàn tỉnh đã hoàn thành phê duyệt tổng thể quy hoạch, đạt 100%; 281 xã tiến hành lập đề án nông thôn mới cấp xã, đạt 64%. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên các địa phương đã huy động được nội lực trong nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Đồng thời, Nghệ An cũng kêu gọi, vận động các doanh nghiệp chung tay, góp sức XDNTM, điển hình là các huyện Quỳ Hợp, Tương Dương, thị xã Thái Hòa..., việc huy động nguồn lực bên ngoài đạt kết quả khả quan. Từ chỗ chỉ đạt 3,64 tiêu chí/xã (năm 2010), đến nay bình quân toàn tỉnh đạt 11,65 tiêu chí/xã, tăng 8 tiêu chí. Đến thời điểm hiện tại, có thêm 18 xã đạt chuẩn, tăng lũy kế các xã đạt chuẩn lên 52 xã, có 6 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đang thực hiện các thủ tục để được công nhận; 59 xã đạt 15-18 tiêu chí; 134 xã đạt 10-14 tiêu chí; chỉ còn 30 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn phát triển rộng khắp trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp được 3.365km đường giao thông nông thôn các loại với tổng kinh phí 6.295,22 tỷ đồng. Chủ trương làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế nhà nước hỗ trợ xi măng, các địa phương đã thực hiện được 1.692km, tương đương 337.530 tấn xi măng. Ngoài ra, các địa phương còn xây dựng, nâng cấp được 3.027km kênh mương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường (đội mũ, mặc comple), Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, thăm mô hình trang trại chè tại huyện Thanh Chương.
Về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, Nghệ An có 266/320 xã thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa, đạt 83,1%, bình quân 1 hộ chỉ còn 1,5-1,6 thửa/hộ; đã triển khai xây dựng được 560 mô hình kinh tế mới, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân; xây dựng được 60 mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, lạc, ngô đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, tăng giá trị ít nhất từ 10- 15% trở lên. Đến nay, tiêu chí số 10 (thu nhập) có 294/431 xã đạt; toàn tỉnh hiện có 635 HTX các loại. Có 284/431 xã đạt tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất); 302/431 xã đạt tiêu chí số 14 (giáo dục); 431/431 xã có trạm y tế, trong đó 300/431 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 172/431 xã đạt tiêu chí số 16 (văn hóa); 5.692/5.837 khu dân cư có quy ước, hương ước; 2.961 làng văn hóa; công tác quản lý thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở khu vực nông thôn được quan tâm cải thiện, có 142/431 xã đạt tiêu chí số 17 (môi trường). Toàn tỉnh có 344/431 xã đạt tiêu chí số 18 (hệ thống chính trị vững mạnh), 418/431 xã đạt tiêu chí số 19....
Có được thành công trên bài học rút ra là gì, thưa ông?
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về cơ chế, chính sách trong xây dựng nông thôn mới, cũng như quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, đồng thuận của người dân, đặc biệt từ khi có chủ trương hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình XDNTM. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn vướng mắc nhất định, mỗi xã có một đặc điểm riêng về kinh tế, văn hóa, xã hội nên công tác điều hành và chỉ đạo cũng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, phong trào XDNTM chuyển biến còn chậm so với kế hoạch đề ra; việc xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm trong XDNTM của một số địa phương, sở ngành còn hạn chế nên chưa chủ động, tích cực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về vai trò chủ thể của mình nên chưa tích cực tham gia…
Về góc độ quản lý nhà nước, tổ chức bộ máy giúp việc của chương trình XDNTM chưa đồng nhất giữa các huyện, cơ bản là kiêm nhiệm, chưa có cơ chế chính sách cho cán bộ nên hiệu quả công việc chưa đạt mức tối đa.
Ông có thể cho biết, Nghệ An sẽ có những quyết sách gì thời gian tới để tiếp tục xây dựng phong trào vững mạnh?
Một góc xã NTM Diễn Tháp, huyện Diễn Châu.
Thời gian tới, Ban chỉ đạo chương trình XDNTM tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân và toàn xã hội để XDNTM tiếp tục trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn tỉnh; huy động, lồng ghép các nguồn lực, sự đóng góp từ các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức kết hợp với nguồn lực địa phương và sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước để có kinh phí thực hiện chương trình; chỉ đạo các huyện tổng kết, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong toàn tỉnh; thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá chương trình, đúc rút các bài học kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác XDNTM. Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, huy động mọi nguồn lực để cuối năm 2015 có thêm 85 xã về đích NTM, nâng tổng số lên 114 xã về đích NTM trong năm 2015, trong đó thị xã Thái Hòa sẽ là đơn vị cấp huyện đầu tiên đạt chuẩn NTM của tỉnh. Các xã còn lại phấn đấu tăng thêm ít nhất 1-2 tiêu chí/xã, bình quân đạt 12,5 tiêu chí/xã.
Xin chân thành cảm ơn ông và chúc Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Nghệ An sớm đạt được mục tiêu đề ra!
Theo Nhóm PV Bắc miền Trung (thực hiện)/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã