Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân thì tính đến ngày 31/8/2013 tổng kinh phí đã huy động cho xây dựng NTM của TP.Hà Nội là 9.796 tỷ đồng và đã giải ngân được 8.370 tỷ đồng, đạt 86,2%. Ông Lê Thiết Cương - Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 - cho biết, việc triển khai thực hiện các dự án trong đề án NTM liên quan đến nguồn vốn lồng ghép ở nhiều địa phương như Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai, Thanh Oai… còn lúng túng. Do đó, nếu không bố trí vốn kịp thời thì việc hoàn thành xây dựng NTM ở các xã điểm vào cuối năm 2013 là khó khả thi. Trong khi đó, các thủ tục đấu giá, xử lý đất xen kẹt dù đã được quan tâm tháo gỡ nhưng hiện vẫn còn nhiều bất cập nên việc huy động kinh phí của các xã gặp không ít khó khăn. Điều đáng nói là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn, tập trung chủ yếu ở các huyện khi dồn sức triển khai xây dựng NTM. Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội - Nguyễn Duy Phong cho biết, không chỉ nguồn vốn đối ứng của huyện, xã mà việc huy động vốn trong nhân dân, doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Nhiều địa phương chưa bóc tách, hạch toán được các nguồn vốn dẫn đến lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Một số đơn vị, Phòng Tài chính các huyện vẫn chưa thực sự khẩn trương vào cuộc thẩm tra hồ sơ, điều kiện cấp mã số cho các dự án trong đề án xây dựng NTM, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Đặc biệt, việc áp dụng quy định mở mã số đối với các dự án sửa chữa nhỏ, sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau cũng đang nảy sinh nhiều bất cập. Trong bối cảnh nguồn lực khó khăn như hiện nay, mục tiêu đạt 48 xã NTM vào cuối năm 2013 của TP Hà Nội được đánh giá là nhiệm vụ không hề đơn giản. Theo ông Đinh Hữu Hạnh - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng - đề án xây dựng NTM của mỗi xã phải mất ít nhất 500 - 600 tỷ đồng. Như vậy với lộ trình 5 - 6 năm, mỗi xã cần trung bình 100 - 120 tỷ đồng/năm nên không thể có đủ “lực” để triển khai. Do vậy, mỗi xã cần đánh giá lại các tiêu chí NTM, tập trung ưu tiên tiêu chí cấp thiết nhất và tiêu chí không cần nhiều kinh phí. Theo dự báo, thu ngân sách của TP Hà Nội trong năm nay sẽ đạt thấp hơn năm ngoái, vì vậy nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM càng trở nên khó khăn hơn. Bởi vậy, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, ngay cả đối với những công trình trong diện phải làm, các địa phương cũng phải rà soát, tính toán, đảm bảo tiết kiệm tối ưu, tránh gây lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các biện pháp huy động nguồn lực nhưng cần tránh tình trạng huy động quá sức nhân dân. Mới đây, Phó Bí thư Thường trực thành ủy Nguyễn Công Soái đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các huyện, sở, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp tháo gỡ việc đấu giá đất, tạo nguồn lực xây dựng NTM cho các địa phương, đồng thời nhấn mạnh, trong 3 tháng còn lại, các sở, ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt hoàn thành NTM ở các xã điểm. Trong đó, cố gắng hoàn thành những công trình còn dở dang như trường học, trạm y tế…và từng bước hạn chế nợ công./. Lâm Phong |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã