Thực tế triển khai các tiêu chí xây dựng NTM tại Hà Nội cho thấy, thời gian qua đa số các xã NTM đều tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả trên diện tích canh tác. Đơn cử như tại xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, đến nay đã đạt tỷ lệ cơ cấu lúa lai trong vụ xuân lên đến 80%, còn trong vụ mùa đạt 65%. Ngoài ra, xã cũng chuyển đổi được 36ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá - vịt. Tuy vậy, thu nhập của người dân trên địa bàn xã vẫn chưa được như kỳ vọng khi hiện nay chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm. Nguyên nhân, theo ông Lê Thành Chung, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Sơn chia sẻ là do xã vẫn là địa phương thuần nông nên chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tỷ trọng nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao (59%), trong khi việc phát triển ngành nghề cho nông dân còn chậm dẫn tới thu nhập của người dân vẫn thấp.
Không chỉ xã Hồng Sơn, một số xã khác trên địa bàn huyện Mỹ Đức cũng đang gặp khó khăn và vẫn rất nỗ lực trong việc thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM. Theo UBND huyện Mỹ Đức, hiện nay thu nhập bình quân đầu người toàn huyện mới đạt 15,5 triệu đồng/người/năm, còn thấp so với mức chuẩn NTM. Không riêng Mỹ Đức, tại huyện Ba Vì, đến nay bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn mới đạt 17 triệu đồng/người/năm. Nguyên nhân cũng do công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất, dồn điền đổi thửa trên địa bàn huyện còn chậm và chưa nhân rộng được mô hình sản xuất hiệu quả. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (NN&PTNT), hiện thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn TP đạt khoảng 21,36 triệu đồng/ha. Con số này mặc dù đã phát đi những tín hiệu chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung các dự án, mô hình trọng điểm phát triển sản xuất nông nghiệp triển khai còn chậm, hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, một số địa phương chưa có giải pháp cụ thể đối với tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân cùng với việc triển khai công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng chưa bắt kịp nhu cầu thực tiễn. Để “hóa giải” bài toán thu nhập cho nông dân khu vực nông thôn, ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, các địa phương trên địa bàn cần tiếp tục tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật và cơ hội việc làm. Theo ông Vân, hiện Nhà nước đã có đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng việc tiếp cận của người nông dân ở một số nơi vẫn còn hạn chế. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực vào cuộc tháo gỡ vấn đề này, tạo điều kiện cho người nông dân có việc làm, nâng cao thu nhập. Tại các cuộc kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội trên địa bàn một số huyện mới đây, tiêu chí nâng cao thu nhập cho người nông dân vẫn tiếp tục được “mổ xẻ” theo hướng các địa phương cần phải tích cực lựa chọn các giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao để vận động nhân dân thực hiện. Đồng thời, đa dạng hóa loại hình và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn, trong đó chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ HTX. Về phía các địa phương, đa số kiến nghị cho rằng, để nâng cao thu nhập cho người dân, TP Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, phải tạo nhiều hơn quỹ đất “sạch” cho nhà đầu tư sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả canh tác trên một đơn vị diện tích./. Thắng Dũng |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã