Giá trị gia tăng thấp
Năm 2012, ngành nông nghiệp được ghi nhận trở thành chỗ dựa của nền kinh tế với mức đóng góp 22% GDP. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, tăng trưởng GDP nông nghiệp đã giảm từ 4,5%/năm trong giai đoạn 1995-2000 xuống còn 3,8%/năm giai đoạn 2000-2005; 3,4%/năm giai đoạn 2006-2011 và chỉ còn 2,7%/năm trong năm 2012.
Bên cạnh đó, có một nghịch lý là khi tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành nông nghiệp bình quân trên 17%, nhưng tổng vốn đầu tư cho ngành chỉ chiếm khoảng 13,8% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2000, giảm còn 7,5% vào năm 2005 và còn 6,45% vào năm 2008; 6,15% vào năm 2010 và năm 2011 chỉ ở mức 5,98%, và cũng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của toàn ngành. Năm 2012, vốn đầu tư cho nông nghiệp có tăng, nhưng cũng chỉ đáp ứng từ 50 đến 60% nhu cầu của khu vực nông nghiệp.
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), trong năm 2012, xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục 27,5 tỷ USD, và nông nghiệp là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu ròng tăng đều đặn, ngay cả trong thời điểm kinh tế suy giảm, góp phần quan trọng để cân bằng thâm hụt thương mại quốc gia.
Xuất khẩu nông sản tăng liên tục và Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về các mặt hàng như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cao-su, sản phẩm gỗ, thủy sản… Nhưng so với các quốc gia láng giềng, giá nông sản tại Việt Nam đặc biệt là giá lương thực được duy trì ở mức thấp.
Việc duy trì mức chi phí lao động thấp và thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành được cho là một lợi thế đang là lực cản làm giảm chất lượng, giá trị sản phẩm và quan trọng hơn là không nâng cao thu nhập cho người làm nông nghiệp. Trong khi việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm nông nghiệp khá chậm, kết cấu ngành chưa thực sự phản ánh lợi thế so sánh và chưa đáp ứng triển vọng nhu cầu trong tương lai.
Đời sống nông dân là quan trọng
Theo báo cáo mới đây của IPSARD, thu nhập và chi tiêu của các hộ nông dân tăng trong giai đoạn 2006-2010 đang ngày càng giảm mạnh. Tiết kiệm của hộ gia đình nông thôn hiện nay chỉ khoảng từ năm đến tám triệu đồng/hộ/năm, chiếm từ 10 đến 15% thu nhập của mỗi hộ. Theo đó, lý do được đưa ra là do thu nhập từ nông nghiệp giảm dần, thu nhập từ tiền công tăng nhẹ và thu nhập từ các hoạt động phí chính thức cũng tăng.
Một thực tế cho thấy, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhiều vùng của đất nước đã làm mất đi hàng trăm nghìn ha đất nông nghiệp mỗi năm của người nông dân. Nhìn nhận một cách công bằng, những thành quả có được của đất nước trong quá trình đổi mới thời gian qua là một phần nỗ lực rất lớn của người nông dân, nhưng hiện họ lại chính là những người đang chịu nhiều thiệt thòi và được thụ hưởng ít nhất từ quá trình này.
Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10-6 vừa qua, theo đó, hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững với mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân từ 2,6 đến 3%/năm trong giai đoạn 2011-2015, từ 3,5 đến 4%/năm trong giai đoạn 2016-2020.
Mục tiêu của đề án khẳng định phát triển nông nghiệp bền vững và hướng tới thực hiện các mục tiêu ưu tiên về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng. Theo đó, tăng thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là nhóm người nghèo và cận nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa, không thuận lợi về điều kiện đất đai, sinh thái, nhóm dân tộc thiểu số và phụ nữ tham gia vào quá trình tăng trưởng nông nghiệp thông qua hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ duy trì sản xuất và thu nhập, tăng khả năng tiếp cận thị trường lao động phi nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế cho dân nông thôn, giải quyết tốt vấn đề an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng.
Cụ thể, cần nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho người dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực (bao gồm cả an ninh dinh dưỡng) cả trước mắt và lâu dài, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo. Đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008, số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.
Việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vừa phải theo hướng thị trường, vừa phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng. Nhà nước vẫn giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài việc đẩy mạnh phát triển đối tác công tư (PPP) và cơ chế đồng thuận quản lý, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng. Đồng thời chuyển dần việc cung cấp một số dịch vụ công sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện, tăng tỷ lệ vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, người nông dân và doanh nghiệp vẫn giữ vai trò trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.
Chí Trung
Theo nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã