Tới dự và đồng chủ trì Hội thảo, có ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường (TCMT); Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc trung tâm Môi trường nông thôn, Trung ương Hội nông dân Việt Nam. Về dự Hội thảo có sự tham dự đông đảo các đại biểu đại diện các Bộ, ngành trung ương và 12 tỉnh khu vực đồng bằng Sông Hồng.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường chủ trì hội thảo |
Hiện nay ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn đang có xu hướng gia tăng, bởi chất thải rắn sinh hoạt, chất thải từ các làng nghề, chất thải chăn nuôi, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật…. Chỉ tính riêng chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày phát sinh khoảng 31 nghìn tấn, chủ yếu ở hai khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ thu gom mới đạt khoảng 50%. Lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải ra khoảng 14 nghìn tấn/năm hiện thu gom xử lý chưa đáng kể; Nước thải sinh hoạt thải ra khoảng 1.300 triệu m3/năm hầu như chưa được thu gom, xử lý.
Bên cạnh đó, chất thải chăn nuôi khoảng 80 triệu tấn/năm, hình thức thu gom, xử lý chủ yếu là tự phát phục vụ trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Chất thải tại các làng nghề chưa được thống kê đánh giá về số lượng, nhưng qua khảo sát cho thấy chất thải Làng nghề rất đa dạng, mức độ, nguy cơ ô nhiễm cao, khó thu gom, xử lý.
Ngoài ra gần đây đã phát sinh nguồn ô nhiễm môi trường mới trong nông thôn là tình trạng đốt rơm, rạ gây khói, bụi, ô nhiễm môi trường không khí…. và nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường khác đang hiện hữu ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng, TCMT cho biết: Vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường khu vực nông thôn nói riêng đang được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm, hiện nay nhiều chương trình mục tiêu quốc gia phải tạm ngừng hoặc hạn chế đầu tư song Chính phủ đã quyết tâm chỉ đạo duy trì và đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.
Ngày 26 tháng 5 năm 2017 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo điều nay càng cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ trong việc triển khai Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Ông Phạm văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu |
Để thực hiện Quyết định số 712 của thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Môi trường và Văn phòng điều phối Nông thôn mới Quốc gia và Trung tâm môi trường nông thôn Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo chuyên đề về “Giới thiệu các mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới” nhằm tạo cơ hội để Đại biểu của 12 tỉnh khu vực đồng bằng Sông Hồng, đặc biệt là đại biểu đại diện các mô hình, chia sẻ kết quả và kinh nghiệm xây dựng, hoạt động mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, trao đổi những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ trong thời gian tới nhằm thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành công nông thôn mới cấp huyện, ông Phạm văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết hiện nay toàn huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, là huyện đầu tiên có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện luôn đưa ra những tiêu chí để xây dựng môi trường nông thôn theo mục tiêu "sáng-xanh-sạch-đẹp". Theo ông Chiến, để xây dựng môi trường nông thôn luôn "sáng-xanh-sạch-đẹp" bền vững cần xây dựng các nội dung công việc cụ thể, có quy chế kiểm tra giám sát và cần nâng cao ý thức của từng người dân tham gia bảo vệ môi trường.
Toàn cảnh buổi hội thảo sáng ngày 15/09 |
Đánh giá ý nghĩa của cuộc Hội thảo, ông Hoàng Văn Thức chia sẻ, đây là Hội thảo mở, có ý nghĩa thiết thực, cho nên mong muốn các đại biểu trao đổi cởi mở, thẳng thắn, có nhiều đề xuất giải pháp cụ thể để các cơ quan quản lý chuyên ngành về môi trường và nông nghiệp, nông thôn tiếp thu, trả lời tháo gỡ vướng mắc. "Hy vọng rằng sau Hội thảo này Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới và Hội nông dân các tỉnh đồng bằng Sông Hồng sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương cơ sở để triển khai hiệu quả Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, góp phần xây dựng thành công chương trình mục tiêu Nông thôn mới của địa phương." - Ông Hoàng Văn Thức nhấn mạnh.
Theo Khương Trung/baotainguyenmoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã