Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhìn chung đã ghi nhận những thành tựu khá toàn diện, to lớn. Song thực tiễn cho thấy, trên phạm vi cả nước, việc triển khai Nghị quyết còn nhiều mặt hạn chế. Vai trò chủ thể của người nông dân chưa được phát huy. Một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở và quần chúng nhân dân chưa nhận thức đầy đủ nội dung cũng như chưa có hình thức sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết. Vì vậy, lựa chọn một tỉnh ở đồng bằng sông Hồng đạt được nhiều thành quả trong xây dựng nông thôn mới như Bắc Ninh để tổ chức đúc kết kinh nghiệm, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân trong phát biểu ý kiến tại Hội thảo nêu rõ: Phải làm sao lý giải được những câu hỏi đặt ra từ thực tiễn. Nhân tố hàng đầu có tính chất quyết định đến việc đưa các nghị quyết của Đảng vào đời sống chính là vai trò của các tổ chức Đảng mà trực tiếp là tổ chức cơ sở Đảng, là chi bộ.
Làm nóng không khí Hội thảo là câu chuyện chỉ đạo giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy xử lý nước thải Khu phố Trịnh Nguyễn như một thí dụ điển hình cho việc phát huy sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong giải quyết triệt để "điểm nóng". Đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân khiến cho dự án Nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn trở thành điểm nóng của khiếu kiện có phần xuất phát từ công tác thông tin chưa kịp thời, đầy đủ, khiến cho người dân chưa hiểu đúng bản chất sự việc, dẫn đến không đồng thuận làm cho tình hình diễn biến phức tạp. Điều đáng nói, chính các đồng chí đảng viên ở cơ sở cũng góp phần khiến cho tình hình thêm nghiêm trọng.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Quất, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Ninh, một trong những bất cập trong xây dựng tổ chức cơ sở Đảng chính là việc còn có những chi bộ, đảng bộ nhiều năm liền được xếp loại trong sạch, vững mạnh nhưng đến khi có mâu thuẫn, khiếu kiện bức xúc thành điểm nóng thì nội bộ mất đoàn kết, mất vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ. Đồng chí Dương Quang Sắc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Bí thư chi bộ Khu phố Trịnh Nguyễn nhớ lại, tại chi bộ Trịnh Nguyễn, tuy đã khai trừ hai đồng chí ra khỏi Đảng nhưng đại hội chi bộ vẫn không bầu được đủ số lượng cấp ủy, không bầu được bí thư chi bộ, tính tiên phong gương mẫu, tính chiến đấu của tổ chức Đảng giảm sút. Trước tình hình địa phương ngày càng phức tạp, việc củng cố cấp ủy được đặt ra cấp thiết, các cấp ủy Đảng cùng phải vào cuộc. Chỉ khi được kiện toàn cấp ủy, các cuộc họp chi bộ đi sâu vào phân tích làm thế nào để tuyên truyền nhân dân thực hiện dự án đi cùng với các giải pháp từ chính quyền, dự án mới hoàn thành việc giải phóng mặt bằng vào tháng 10-2013 mà không cần đến tổ chức cưỡng chế.
Theo đánh giá của nhiều đại biểu, câu chuyện của chi bộ Trịnh Nguyễn sẽ còn được nhắc đến như bài học về củng cố tổ chức Đảng, cấp ủy. Thêm nữa, vai trò của các cấp ủy Đảng trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở cần có sự chỉ đạo nhất quán và phải được thống nhất của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Dự án này sẽ không thành công nếu thiếu đi sự quyết tâm giải quyết triệt để vấn đề của các cấp ủy Đảng.
Dân vận khéo giải quyết "điểm nóng"
Quá trình chuyển đổi từ thuần nông sang phát triển công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn luôn phải đối diện bài toán, làm sao để tạo được việc làm cho người dân ly nông không ly hương? Làm sao để có thể giải phóng mặt bằng cho những dự án sản xuất công nghiệp mà không xung đột với quyền lợi và sinh kế của cộng đồng dân địa phương? Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết "điểm nóng" về giải phóng mặt bằng, đồng chí Nguyễn Văn Dương -Bí thư chi bộ thôn Giang Liễu, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ đã gói gọn trong cụm từ "dân vận sao cho khéo".
Thực hiện chủ trương của tỉnh dành một phần đất nông nghiệp của thôn để xây dựng Khu công nghiệp Quế Võ, chi bộ Giang Liễu đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có chuyển biến rõ rệt, mọi người đều hiểu được lợi ích của phát triển công nghiệp đối với đời sống của nhân dân địa phương. Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó, mọi lý lẽ tuyên truyền vận động sẽ không thể đủ sức thuyết phục nếu thiếu đi sức lan tỏa từ đời sống. Nếu chỉ thiên lệch về phát triển kinh tế, công nghiệp hóa mà không có cơ chế chính sách để doanh nghiệp thu hút lao động địa phương cũng như không có chủ trương điều tiết nguồn thu cho những chính sách nâng cao đời sống người dân và tạo bộ mặt nông thôn mới thì sẽ không thể nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân. Mặt khác, do diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, chi bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân phát huy tiềm năng, phát triển kinh tế đa thành phần giữa phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và nhiều ngành nghề thương mại, dịch vụ, xây dựng cơ bản. Điều này giúp thay đổi căn bản bộ mặt của Giang Liễu, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động có nguồn thu nhập cao, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Câu chuyện của chi bộ Trịnh Nguyễn và Giang Liễu không phải cá biệt. Rất nhiều địa phương đang trăn trở trên con đường xây dựng nông thôn mới tìm thấy ở Hội thảo những gợi ý xác đáng.
Lưu Hương
Nguồn nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã