Cách làm của "nhà nghèo"
Con đường bê-tông rộng rãi, bằng phẳng ở thôn Vạn Thọ, xã Nhân Bình (huyện Lý Nhân, Hà Nam) được đưa vào sử dụng gần một năm nay, chấm dứt cảnh đám trẻ trong xóm những ngày mưa gió phải xắn quần, cầm dép trên tay, dò dẫm từng bước đến trường. Nói chuyện về những ngày làm con đường, bà Nguyễn Thị Ràng nở nụ cười tươi rói cho biết: Nhà tôi cũng chẳng khá giả gì đâu, nhưng khi cán bộ thôn họp dân, nêu chủ trương và kêu gọi bà con đóng góp, nhà tôi hiến hơn 100 m 2 đất vườn trị giá hàng chục triệu đồng, không đòi hỏi bồi thường một đồng nào. Đường làm xong, vào mùa thu hoạch, thóc lúa từ ngoài đồng chở thẳng vào tận sân, không phải gánh gồng như trước nữa.
Ở xã Nhân Bình, không chỉ có gia đình bà Ràng, mấy chục hộ dân khác cũng sẵn sàng hiến hàng trăm m2 đất, chặt hàng chục cây nhãn lâu năm đang cho thu hoạch tốt, dỡ một chiếc cổng mới xây xong hay đập bỏ 20 m 2 nhà mái bằng trị giá hàng chục triệu đồng để làm con đường bê-tông trong xóm. Như lời nói mộc mạc, khiêm nhường của những người nông dân thôn Vạn Thọ, con đường mới đã làm thay đổi cả cuộc đời mình, đóng góp chút của, chút công với làng xóm, việc ấy đáng kể gì. Đồng tâm hiệp lực, mỗi nhà một ít, từ công sá, xe cát, sỏi, bao xi-măng, đến cả mảnh vườn, một phần ngôi nhà bê-tông mái bằng đang ở,... tất cả đều hoàn toàn tự nguyện, đủ thấy tiềm lực của dân to lớn nhường nào, khi đã thuận thì mọi việc đều chạy băng băng.
UBND xã hướng dẫn bà con thành lập các tổ, tự đảm trách triển khai thi công, cũng như kiểm soát thu, chi để bảo đảm công khai, minh bạch, nên bà con rất tin tưởng. Nhờ vậy, hơn 10 km đường trục của xã Nhân Bình đã được đổ bê-tông toàn bộ.
Giống như nhiều địa phương khác, tỉnh Hà Nam cũng gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí phát triển mạng lưới GTNT vì nguồn ngân sách còn hạn hẹp, chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu cần thiết, còn lại cơ bản phải huy động từ sức dân (hơn 67%) và từ các nguồn lực khác. Vì vậy, tỉnh xác định rõ, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, cần huy động mọi nguồn lực trong xã hội.
Không chỉ tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của phong trào, tỉnh Hà Nam ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ: 200 tấn xi-măng/km đường xây dựng mới, 120 tấn xi-măng/km đường cải tạo, nâng cấp. Một cán bộ Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Nam nhẩm tính sơ sơ, đến nay tỉnh đã hỗ trợ các xã hơn 300 nghìn tấn xi-măng, giá trị ước tính khoảng 360 tỷ đồng. Nhưng ẩn chứa phía sau là con số hàng triệu ngày công lao động, hàng triệu m 3 cát, đá, sỏi, được huy động từ người dân. Ở các làng, xã, khi mở mới những con đường thôn, xóm, tỉnh Hà Nam gần như không phải chi một đồng nào cho việc đền bù giải phóng mặt bằng, do người dân đều tự nguyện hiến đất, mở đường theo quy hoạch, với tổng diện tích hơn 300 nghìn m 2 đất.
Mặc dù phần lớn dân cư còn nghèo, song tỉnh Thanh Hóa lại có nhiều xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như Tượng Văn, một xã đứng đầu ở huyện Nông Cống trong việc hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, vượt kế hoạch trong tiêu chí giao thông. Đây được coi là tiêu chí khó, vì cần nguồn kinh phí lớn, nhưng do làm tốt công tác dân vận, toàn thể nhân dân trong xã đã đồng lòng, chung sức với chính quyền hoàn thành tốt tiêu chí này.
Bác Nguyễn Văn Lợi ở xã Tượng Văn cho biết: Dù nhiều nhà còn khó khăn, nhưng có những hộ tự nguyện đóng góp 400 nghìn đồng/người, hiến 30 m 2 đất sân vườn để mở rộng đường. Cách làm đường ở xã Tượng Văn cũng khá linh hoạt, phù hợp điều kiện còn eo hẹp của mình: Đơn vị làm đường ứng trước kinh phí, xã đứng ra bảo lãnh cho người dân trả dần trong vòng từ hai đến ba năm.
Với cách làm này, 70 km đường GTNT của xã, giá trị xây dựng gần 20 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành.
Người dân xã Thanh Xuân (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) hồ hởi tham gia xây dựng con đường mới.
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều biện pháp thúc đẩy phong trào, yêu cầu các ngành chức năng tiến hành khảo sát, lập dự toán thiết kế cho từng loại đường, hướng dẫn cơ sở thực hiện theo. Từ đó, mỗi nơi lại có những cách làm sáng tạo, phong phú và đa dạng. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã "cứng hóa" một nửa trong tổng số hơn 19 nghìn km đường GTNT. Riêng trong năm 2013, tỉnh đã huy động hơn 240 tỷ đồng từ đóng góp của nhân dân để cứng hóa hơn 460 km và cải tạo, nâng cấp hơn 110 km đường GTNT các loại.
Tháo gỡ những vướng mắc
Nhìn chung trong cả nước, phong trào làm đường GTNT đã đạt kết quả khá cao và thành công, song hạ tầng GTNT ở một số địa phương vẫn còn rất yếu kém. Hệ thống đường tỉnh, huyện nhiều nơi có quy mô nhỏ, qua nhiều năm thiếu kinh phí tu bổ, đã xuống cấp nghiêm trọng. Một số tuyến đường miền núi mật độ còn thưa thớt, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, dịch vụ vận tải không bảo đảm an toàn giao thông, nhất là vào mùa mưa bão.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống Lê Trọng Hùng cho biết: Làm đường GTNT, ban đầu chưa có kinh nghiệm, lại thiếu cán bộ chuyên ngành giao thông được đào tạo bài bản, cho nên chúng tôi rất bỡ ngỡ.
UBND huyện phải "gánh" tất cả các khâu: từ quản lý, khảo sát thiết kế, giám sát công trình,... cho nên cán bộ phụ trách phải xoay như chong chóng. Nhưng dần dần, chúng tôi đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm, lấy công khai, minh bạch làm đầu, phát huy tính dân chủ ở cơ sở, thường xuyên bàn bạc với dân, để người dân tự quyết định và quản lý công trình, cho nên cơ bản những con đường thôn, xóm được thi công khá nhanh, đạt chất lượng tốt và kinh phí đầu tư thấp. Thực tế ở nhiều nơi, trình độ của một số cán bộ cấp cơ sở còn hạn chế, không đủ năng lực quản lý, giám sát công trình, nhất là cán bộ chuyên ngành giao thông còn thiếu và yếu. Đã có một số công trình bị thất thoát vốn, chất lượng kém, khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp,... do năng lực quản lý của cán bộ cơ sở không theo kịp yêu cầu.
Khi đường làm xong, việc duy tu, bảo trì lại chưa được quan tâm đúng mức, chậm triển khai, gây lãng phí lớn. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Mai Tiến Dũng cho biết: Việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho cán bộ các cấp, nhất là cấp thôn, xã được tỉnh xác định là nhiệm vụ thiết yếu, thực hiện thường xuyên, nhằm bảo đảm cho lực lượng cán bộ cơ sở đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hà Nam luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống quản lý, bảo trì đường GTNT; đào tạo nghiệp vụ về quản lý giao thông cho cán bộ các cấp nhằm phát huy tối đa hiệu quả dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trước hết, phân cấp công tác quản lý duy tu, bảo dưỡng đường; thiết lập các đơn vị đầu mối trong quản lý bảo trì, đồng thời đưa vào danh mục cân đối để bố trí nguồn ngân sách cho công tác quản lý bảo trì từ nguồn ngân sách địa phương.
Được biết, Quỹ Bảo trì đường bộ sẽ dành khoảng 35% số tiền thu được phân bổ trở lại, từ đó sẽ phần nào tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Ngoài ra, mỗi địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong xã hội, mở mới các tuyến đường thôn, xóm theo nhiều hình thức, cùng sự đóng góp của nhân dân cho đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chính quyền nhiều xã, nhất là ở vùng khó khăn, còn rất thụ động, vẫn có tư tưởng trông chờ vào nguồn vốn ngân sách là chính, chưa phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Vì thế, để nâng cao hiệu quả của phong trào làm đường GTNT trong giai đoạn mới, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhằm quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, để từng người dân hiểu rõ, chủ động và tự giác tham gia. Những cách làm sáng tạo, những mô hình hay trong làm đường GTNT rất cần được phổ biến, nhân rộng để các địa phương khác vận dụng, làm theo. Có thể thấy, bằng việc phát huy nội lực trong dân, cùng những cơ chế, chính sách phù hợp, đã mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển hệ thống đường GTNT. Nhờ đó, diện mạo các vùng nông thôn đã thay đổi vượt bậc, những tuyến đường bê-tông đã góp phần thúc đẩy giao lưu hàng hóa, giảm dần sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, tạo đà cho sự phát triển kinh tế-xã hội trên cả nước.
Từ năm 2008 đến 2013, các địa phương cả nước đã huy động gần 50 nghìn tỷ đồng xây dựng GTNT; trong đó, T.Ư hỗ trợ hơn 12 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 19 nghìn tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 10 nghìn tỷ đồng,... Các địa phương đã huy động hơn 165 triệu ngày công lao động xây dựng GTNT, mở mới hơn 15 nghìn km, sửa chữa, nâng cấp gần 75 nghìn km đường các loại, xây dựng hơn 7.000 cây cầu bê-tông cốt thép, cùng hàng trăm cầu liên hợp, cầu treo,... Đến nay, đã có 9.051 trong số 9.200 xã có đường ô-tô về trung tâm xã. BÀI VÀ ẢNH: MINH DŨNG VÀ VIỆT HẢI |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã