Tham gia dự án IMPP, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. |
So với năm 2014, chất lượng các bản kế hoạch của các xã, phường, thị trấn đã được cải thiện đáng kể. Điều này thể hiện ở chỗ nhiều địa phương xác định được các mục tiêu rõ ràng từ những tiềm năng, lợi thế để từ đó lồng ghép các nguồn vốn hiện có đầu tư xây dựng các mô hình điểm. Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) được coi là điểm sáng về công tác lập kế hoạch theo MoSEDP.
“Kinh tế Cẩm Nhượng chỉ có thể phát triển nếu lấy kinh tế biển làm trục xoay. Trong đó, khai thác hải sản và hậu cần nghề cá gắn kết chặt chẽ với nhau, không thể tách rời. Từ định hướng đó, xã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư vào 2 lĩnh vực này. Đến nay, toàn xã có 153 tàu thuyền (5 tàu trên 200 CV, 1 tàu trên 400 CV), 750 hộ sản xuất, kinh doanh thủy, hải sản, trong đó, có 250 hộ nộp thuế cho Nhà nước sẽ là những điểm nhấn giúp chúng tôi cụ thể hóa các mục tiêu HĐND xã đề ra” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sỹ Huyền cho hay.
Sau 3 năm bắt tay thực hiện, trong số 12 huyện, thị, thành phố, có 2 đơn vị xếp hạng trung bình là Hương Khê, Thạch Hà; 4 huyện xếp loại khá gồm: Lộc Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân, Hương Sơn; số còn lại được đánh giá loại tốt. Năm 2014, từ chỗ 84 xã xếp loại yếu, nay chỉ còn 10 đơn vị. Đó là nỗ lực rất lớn của các địa phương trong việc cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng.
Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của MoSEDP, bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều đơn vị cấp xã, huyện đã phát huy được tính tự chủ trong quá trình tổ chức, triển khai, tìm kiếm thị trường; phối hợp lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là bản kế hoạch theo MoSEDP năm 2015, 100% xã, phường, thị trấn đều đã xây dựng được ít nhất 2 mô hình sản xuất tập trung, gắn với thị trường đầu vào, đầu ra.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn khá nhiều tồn tại, hạn chế. Theo đó, ở ban chỉ đạo tỉnh, thành viên tham gia còn ít nên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Một số huyện thiếu quan tâm chỉ đạo, chưa dành thời gian, nguồn lực cho công tác lập kế hoạch cấp xã; một số đơn vị còn mang nặng tính hình thức; kỹ năng, năng lực của hầu hết cán bộ lập kế hoạch về lĩnh vực thị trường chuỗi giá trị còn hạn chế, do đó, khi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cấp xã trong công tác lập kế hoạch chất lượng chưa cao. Đặc biệt là năng lực của đội ngũ giảng viên cấp huyện còn hạn chế, chưa thể đáp ứng được yêu cầu công việc.
Đối với các xã, lãnh đạo chủ chốt của một số xã, phường, thị trấn vẫn bảo thủ, ngại khó, ngại thay đổi; còn mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên nên chất lượng các bản kế hoạch còn thấp. Kỹ năng tham gia thị trường, sản xuất hàng hóa trong hầu hết các lĩnh vực của nhân dân còn yếu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và nhóm hộ nghèo. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc ưu tiên nguồn lực phát triển các mô hình sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế tại địa phương, tạo đà chuyển dịch mạnh cơ cấu ngành nghề trong khu vực…
Có rất nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan tác động. Trong đó, đáng chú ý là nhận thức của một bộ phận cán bộ các cấp, ngành chưa thật sự thay đổi; cơ chế phân bổ nguồn vốn thiếu kịp thời trong khi tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân còn nặng nề. Đặc biệt, tư tưởng “tiểu nông” nhỏ lẻ, thiếu lòng tin, thiếu liên kết, ngại rủi ro, không dám mạnh dạn đầu tư đã ăn sâu, bám rễ vào nhiều người. Bên cạnh đó, thị trường luôn có những biến động bất thường, lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh, dịch bệnh thường xuyên là mối đe dọa đối với cây trồng, vật nuôi cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch trong những năm qua. Trong khi đó, MoSEDP là phương pháp tiếp cận hoàn toàn mới, khó, cần rất nhiều thời gian cùng với sự kiên trì, quyết tâm cao của những người trong cuộc.
Để MoSEDP phát huy được hiệu quả, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục kiện toàn ban chỉ đạo; phân công cán bộ theo dõi, giám sát, hỗ trợ các huyện, thị, thành phố trong quá trình lập MoSEDP; phối hợp với các sở, ngành và các bên liên quan thực hiện thành công lập thí điểm kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm cấp huyện tại 2 huyện Vũ Quang, Can Lộc để triển khai tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tại tỉnh Hà Tĩnh (SRDP) xây dựng kế hoạch hỗ trợ các cấp trong quá trình nâng cao năng lực thực hiện theo dõi, đánh giá và tiếp tục đổi mới công tác lập kế hoạch hàng năm cấp xã đạt hiệu quả. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế trong quá trình tổ chức lập, thực hiện kế hoạch hàng năm; thu hút hợp tác đầu tư, đưa các chuỗi giá trị sản phẩm địa phương thực sự trở thành kinh tế chủ lực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã