Sau 5 năm xây dựng, diện mạo nông thôn cũng như đời sống vật chất, tinh thần của nông dân thành phố đã có những thay đổi căn bản. 100% đường liên xã, liên ấp, đường trục nội đồng được trải nhựa hoặc đổ bê-tông. Các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, thủy lợi, vệ sinh môi trường, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh đều đạt chuẩn đã phủ lên một sắc xuân tươi thắm cho đời sống người dân ngoại thành.
Thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt hơn 40 triệu đồng/năm, từ khoảng cách bằng 66% khu vực thành thị ở năm 2010 đã nâng lên gần 78% vào năm 2014. Giá trị sản xuất trên một ha đất nông nghiệp tăng gấp hơn hai lần, từ 158,5 triệu đồng lên 325 triệu đồng/năm và 100% số hộ nông thôn được dùng điện lưới, nước sạch hợp vệ sinh.
Ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM khẳng định: "Hoàn thành xây dựng chương trình nông thôn mới không chỉ dừng lại ở việc hoàn chỉnh 19 tiêu chí mà phải thường xuyên kiên trì, bền bỉ, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Xây dựng nông thôn ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững với tinh thần không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nông dân và cư dân nông thôn ở thành phố".
Thành công lớn nhất của chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố là sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị; các doanh nghiệp chung tay góp sức, và nhất là được sự đồng thuận cao của nhân dân địa phương. Hơn 20.000 hộ dân các xã ngoại thành đã tự nguyện hiến hơn hai triệu m2 đất với tổng giá trị hơn 1.400 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, xây trường học, nhà văn hóa, khu vui chơi, sân thể thao trong các xóm, ấp.
Cùng với đó, chính sách của thành phố đã khuyến khích chuyển dịch kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. Từ một đồng vốn ngân sách dùng để hỗ trợ lãi suất, thành phố đã huy động được 33 đồng vốn của nhân dân, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, có tác động rất tích cực để nâng giá trị sản xuất trên một héc-ta đất canh tác, tăng gấp hơn hai lần so với trước.
"Huyện đã xin chủ trương của UBND Thành phố, sẽ triển khai một mô hình thu nhỏ của Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của thành phố ở huyện để bà con tham gia. Và trung tâm cũng sẽ chuyển giao về giống, kỹ thuật, về quy trình sản xuất", ông Bùi Hòa An – Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho hay.
Từ đây đến năm 2020, thành phố sẽ tập trung nhiều hơn vào chất lượng trong giai đoạn mới. Bộ tiêu chí về nội dung chung 19 tiêu chí là không thay đổi, nhưng sẽ thay đổi về chỉ tiêu theo hướng tăng lên của nhu cầu thực tiễn, nhằm phát huy các kết quả đã thực hiện, từ đó góp phần trực tiếp để nâng cao chất lượng.
Cụ thể như trước là xây dựng Nhà văn hóa, nay sẽ đo đếm về hoạt động, tần suất hoạt động sao cho phù hợp. Hay từ xây dựng Trạm y tế xã đạt chuẩn, nay hướng đến tỷ lệ người dân khám chữa bệnh thường xuyên tại Trạm y tế xã.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó trưởng phòng Phòng Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa – Thể thao cho rằng: "Vấn đề cán bộ, nhân sự chúng tôi rất trăn trở. Cần bố trí người có nghiệp vụ hoặc có kinh nghiệm thực tiễn để tổ chức hoạt động. Và chúng tôi tiếp tục đào tạo bồi dưỡng. Công việc này chúng tôi nghĩ phải tiếp tục làm thường xuyên".
Năm 2016, là năm khởi đầu thực hiện đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng khu vực kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp đạt 5,5%; đến năm 2020, giá trị sản xuất bình quân trên một ha đất canh tác đạt 800 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt ít nhất 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, 100% hộ nông thôn được dùng nước sạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90% và đồng thời, tỷ lệ hộ nghèo theo Chương trình giảm nghèo bền vững giảm 1% mỗi năm.
Từ định hướng này, Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới thành phố, các địa phương tiếp tục có các giải pháp huy động nguồn lực xã hội tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn theo hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ.
"Hiện nay, các doanh nghiệp của Nhật cũng vào để liên kết sản xuất. Tuy nhiên đối với người nông dân, quy trình đó chưa đáp ứng được. Chúng tôi thấy rằng vấn đề đặt ra ngoài vấn đề vốn, đất đai, các điều kiện hỗ trợ thì vấn đề tay nghề và tính kỷ luật của người nông dân hết sức quan trọng nên chúng ta cần phải lưu ý", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nêu định hướng.
Như vậy, trong công tác đào tạo nghề, cần dự báo được nơi làm việc cũng như mức thu nhập của lao động nông nghiệp sau khi được đào tạo nghề để tổ chức các lớp học, ngành nghề đào tạo phù hợp. Với kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện có, Thành phố cần rà soát, tiếp tục đầu tư xây mới cũng như duy tu, sửa chữa, sử dụng hiệu quả các công trình xây dựng như đường giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa cũng như hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.
"Chúng ta tiếp tục quán triệt và nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố, phát huy vai trò chủ thể của nông dân. Để từ đó, chúng ta đề ra mục tiêu trực tiếp chăm lo đời sống các mặt cho nông dân, đồng bào của thành phố chúng ta. Phải tiếp tục quán triệt để chúng ta thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, tinh thần Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị cũng như các Nghị quyết, chủ trương của thành phố", ông Lê Thanh Hải – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị – nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo.
Mùa xuân đến mang theo bao hy vọng. Một lần nữa chúng ta có thể khẳng định, và tiếp tục tin rằng xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, liên tục theo hướng đi lên và tạo ra giá trị bền vững.
Theo đó, để giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn thành phố, ngoài quyết tâm cao, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, rất cần sự góp sức của toàn xã hội, chung tay xây dựng các xã ngoại thành tương xứng sự phát triển chung.
Từ cơ sở này, TPHCM thông qua chương trình nông thôn mới có được động lực to lớn từ khu vực nông thôn ngoại thành để không ngừng vươn lên và duy trì vị thế dẫn đầu về kinh tế - xã hội của cả nước.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã