Đường giao thông nội đồng xã Kim Sơn (Đông Triều) được đầu tư, nâng cấp. - Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Quảng Ninh là tỉnh nằm ở vùng địa đầu Đông Bắc Việt nam, hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý với biển, rừng, diện tích đất đai tự nhiên khá phong phú, có điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới chuyên trách, không kiêm nhiệm, nên công tác chỉ đạo, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh có sự tập trung, chuyên sâu và kịp thời. Công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới được Quảng Ninh chú trọng. Chính vì vậy, chương trình được đông đảo người dân hưởng ứng, huy động được sức mạnh của người dân, các doanh nghiệp trên địa bàn cùng chính quyền chung sức xây dựng nông thôn mới. Bà Dương Thị Mến, chủ nhiệm Hợp tác xã Yên Đức, cho biết: “Tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới thì công ty cũng chung tay đóng góp xây dựng đường làng ngõ xóm và đặc biệt là tham gia tất cả các chương trình an sinh xã hội. Bên cạnh đó, công ty tạo công ăn việc làm cho một số nhân viên ở đây và phát triển du lịch để người dân được hưởng lợi”
Ngành nông nghiệp Quảng Ninh xác định rõ phương châm “lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp”, nên đã có bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp như vùng trồng rong giềng ở Bình Liêu; trồng cây ăn quả na, vải ở Đông Triều, Uông Bí; trồng cây ba kích ở Ba chẽ…Chương trình “Quảng Ninh mỗi xã phường một sản phẩm” đã trở thành một nét riêng của tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, mô hình du lịch làng quê như ở xã Yên Đức (thị xã Đông Triều) cũng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Đến nay mức thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn Quảng Ninh đã tăng từ 10 triệu đồng/năm (năm 2010) lên trên 30 triệu đồng/năm (năm 2015). Ông Lê Quốc Khánh, người dân xã An Sinh, huyện Đông Triều, cho biết: “Về đường xá đến giờ nói chung là bà con đi rộng rãi. Thu nhập trên năm của gia đình thì tổng nguồn thu nhập ngoài trừ chi phí thì lãi tầm 700-800 triệu đồng trên năm.”
Sau gần 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 100% số xã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới và đã xây dựng thành công 23 thương hiệu nông sản gắn với việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tính đến cuối năm 2015, số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh là 86 xã. Quảng Ninh cũng có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Quảng Ninh là một trong 10 tỉnh, thành phố có thành tích tốt nhất trong xây dựng nông thôn mới của cả nước. Bộ mặt nông thôn ở Quảng Ninh khang trang hơn, đời sống nhân dân đã được cải thiện rõ rệt. Diện mạo của nhiều xã, phường đã thay đổi, mang sức sống mới.
Lãnh đạo chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh xác định xây dựng nông thôn mới không chỉ là một phong trào, một cuộc vận động lớn, mà cần được phát triển theo hướng bền vững theo mô hình “nông thôn tiên tiến” Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Quảng Ninh xác định cơ bản trở thành tỉnh nông thôn mới năm 2015, song đến giai đoạn tới từ 2016 đến 2020 thì nông thôn mới của Quảng Ninh sẽ phải chuyển một cách làm khác, tức là đạt chuẩn rồi thì phải nâng lên một mức nữa mà chúng tôi xác định nông thôn tiên tiến, đô thị về nông thôn, nông thôn có đô thị. Thế còn chương trình mỗi xã phường một sản phẩm thì tiếp tục phải nâng cấp chất lượng và sản xuất hàng hóa nó cao hơn, nhiều hơn để phục vụ cho thị trường.”
Theo hướng này, huyện đạt chuẩn nông thôn đầu tiên ở miền Bắc là Đông Triều của Quảng Ninh sẽ đặt mục tiêu xây dựng mô hình “ Nông thôn tiên tiến”, với quyết tâm hình thành đô thị trong lòng nông thôn. Và như vậy, chương trình mục tiêu xây dựng Nông thôn mới ở Quảng Ninh sẽ bước sang một giai đoạn mới phát triển hơn.
Theo Văn Phong/vovworld.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã