Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhận định, đến năm 2015, Việt Nam sẽ có nhiều huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
- Thưa ông, tới đây, Ban chỉ đạo mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới sẽ tổng kết 3 năm thực hiện chương trình. Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật mà chương trình nông thôn mới đã đạt được trong 3 năm qua?
Trong 3 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Chương trình nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng ở tất cả các xã, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Kết quả nổi bật đó là: Thứ nhất, nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ nét.
Dân chủ cơ sở; vai trò chủ thể của người dân nông thôn ngày càng được phát huy. Chính vì vậy phong trào nông thôn mới có sức lan tỏa rộng khắp ra các tầng lớp nhân dân.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn. |
Thứ hai, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi thay, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, an ninh trật tự được củng cố, không chỉ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn tăng mức hưởng thụ trực tiếp cho người dân, khích lệ họ phấn khởi, tin tưởng thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba, mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả xuất hiện nhiều hơn, sự liên kết hợp tác sản xuất trong nông thôn đã hình thành; người dân quan tâm đến ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa.
Thu nhập của người dân nông thôn tăng lên, tỷ lệ nghèo giảm xuống. Thu nhập của cư dân nông thôn năm 2013 tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn đến hết năm 2013 là 12,6% giảm bình quân 2%/năm so với năm 2008.
Thứ tư, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, năng lực chỉ đạo của đội ngũ cán bộ cơ sở được năng lên, qua 3 năm các cán bộ cơ sở đã nắm vững hơn về cơ chế, chính sásh trong chỉ đạo điều hành, trong công tác vận động.
- Xin ông cho biết một vài điển hình tiêu biểu về xây dựng nông thôn mới ở nước ta?
Chúng ta có rất nhiều điển hình tiên tiến về xây dựng nông thôn mới. Có những điểm hình về góp công sức, có điển hình về huy động sự tham gia của nhiều người vào xây dựng nông thôn mới, có điển hình về phát triển sản xuất giỏi, thoát nghèo, làm giàu; có điển hình về phát triển cơ sở hạ tầng tốt, có điển hình về chỉ đạo thực hiện nông thôn mới; có những điển hình về cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới…
Có thể kể các điển hình phát triển sản xuất ở Lâm Đồng, Hà Nội, TP. HCM, An Giang, Đồng Nai; các điển hình về chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành như Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Tuyên Quang…
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được sau 03 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến tháng 12/2013, cả nước đã có 144 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 562 xã đã đạt được 15 – 18 tiêu chí.
Thực tiễn triển khai cho thấy, những xã trong nhóm dẫn đầu với nỗ lực cao thì có thể phấn đấu đạt thêm được từ 03-04 tiêu chí/năm.
Tính đến nay cả nước có 185 xã đạt chuẩn nông thôn mới đã được các địa phương quyết định công nhận và có khoảng hơn 40 xã cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng còn chờ quyết định công nhận của các địa phương.
- Ngoài những mô hình trọng điểm có điều kiện thuận lợi và đầu tư lớn thì công tác xây dựng nông thôn mới ở vùng xã vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Ở các vùng sâu vùng xa, xây dựng nông thôn mới có nhiều khó khăn do điều kiện địa lý, xuất phát điểm thấp… Tuy nhiên không có nghĩa các xã này, các địa phương này không tham gia xây dựng nông thôn mới.
Ở nhiều nơi chúng tôi đã thấy người dân rất tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới như Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang… Họ góp đất, góp vật liệu công sức trong xây dựng giao thông nông thôn.
Tuy nhiên như đã đề cập ở trước, để các nơi này bật dậy mạnh hơn, tốt hơn thì cần phải có nhiều giải pháp huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư và phát triển, Nhà nước cần có những cơ chế hỗ trợ đặc thù.
Trong Hội nghị sơ kết sắp tới, chúng tôi cũng sẽ đưa ra để hội nghị thảo luận, trên cơ sở đó sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các vùng này.
Hiện tiền đầu tư cho nông thôn mới chủ yếu vẫn từ Nhà nước. Trong gói bổ sung thêm từ Trái phiếu nói trên thì phải tập trung cho các xã khó khăn nhất của cả nước (theo Nghị quyết Quốc hội).
- Nhưng như những gì đã thấy, tiền đầu tư vào những vùng khó khăn này như ở miền núi phía Bắc thì như muối bỏ bể. Vậy làm thế nào để các xã ở những vùng này thực sự bật dậy từ Chương trình xây dựng nông thôn mới?
Nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới một phần là từ Ngân sách nhà nước, một phần là từ nguồn xã hội hóa (bao gồm từ tín dụng, doanh nghiệp và người dân…).
Theo kết quả chúng tôi tổng hợp (mặc dù chưa đầy đủ và chưa chính xác) nhưng có thể nói, nguồn lực đầu tư từ xã hội hóa chiếm khá lớn.
Nếu như nguồn lực Nhà nước hỗ trợ cho Chương trình chỉ chiếm khoảng 33,9% thì nguồn vốn xã hội hóa chiếm 61,9% (tức gần gấp đôi). Do đó nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới là đến từ chính xã hội chứ không phải từ nhà nước.
Ngân sách nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, định hướng cho xây dựng nông thôn mới. Mặc dù nguồn lực đầu tư còn thấp so với nhu cầu, nhất là ở những vùng khó khăn nhưng Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo tập trung thêm nguồn lực cho các xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới.
Để các xã khó khăn thực sự bật dậy từ Chương trình nông thôn mới vấn đề cốt lõi là phải tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phải tạo được vùng sản xuất hàng hóa trên cơ sở quy hoạch, kêu gọi được sự đầu tư của doanh nghiệp các các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển kinh tế.
Đây là vấn đề hết sức khó, đòi hỏi phải có sự quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, của toàn thể xã hội và nhân dân địa phương.
Xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong những ưu tiên đầu tư cho nông thôn mới. Ông có lưu ý gì đối với các địa phương trong xây dựng những công trình ở địa phương theo hướng hạ tầng phục vụ sản xuất hay hạ tầng phục vụ dân sinh?
Trong thời gian qua, một trong những thành công của Chương trình là thay đổi bộ mặt nông thôn trong đó cơ sở hạ tầng được đánh giá là có bước phát triển vượt bậc. Tùy theo điều kiện và nhu cầu của từng địa phương, thì người dân và địa phương tập trung, ưu tiên cho phát triển các công trình phụ vụ sản xuất hoặc phục vụ dân sinh.
Vấn đề là phải dựa vào chính nhu cầu của người dân địa phương. Người dân là chủ thể của nông thôn mới, họ mới là người lựa chọn và quyết định. Cấp các ngành chỉ nên định hướng, hướng dẫn và tạo điều kiện cho họ mà thôi.
- Dựa vào những kết quả đã đạt được, liệu chương trình có đạt được mục tiêu đề ra là đến năm 2015 có 20% và 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong khi thực tế số xã đạt được cả 19 tiêu chí đề ra còn khá khiêm tốn? Chúng ta đã sửa đổi 5 tiêu chí (chợ nông thôn, thu nhập, cơ cấu lao động, y tế và giáo dục), song ở một số vùng đặc thù như miền núi, xã đảo vẫn gặp rất nhiều trở ngại, vậy trong thời gian tới chúng ta có tiếp tục sửa đổi các tiêu chí để phù hợp hơn với các vùng đặc thù hay không?
Về việc sửa đổi bổ sung tiêu chí: Về cơ bản 19 tiêu chí sẽ không có sự thay đổi trong thời gian từ nay đến hết 2015, nhưng cách hiểu và áp dụng thì Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục nghiên cứu và đề xuất cho phù hợp hơn với thực tiến và yêu cầu của các địa phương, các vùng miền (ví dụ như về cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở nông thôn…).
Sau năm 2015 nếu thực tế có yêu cầu sửa đổi tiêu chí thì sẽ sửa đổi. Nhưng những tiêu chí cơ bản nhất, quan trọng nhất sẽ vấn được giữ.
Về mục tiêu xây dựng các xã nông thôn mới, tôi xin khẳng định là hiện nay sẽ không có sự điều chỉnh về mục tiêu số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Mặc dù có khó khăn trong việc thực hiện nhưng Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương sẽ cố gắng dành nguồn lực tốt nhất có thể, có các cơ chế, chính sách hỗ trợ thuận lợi hơn cho xây dựng nông thôn mới.
Các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân địa phương cần quyết tâm cao, chủ động, năng động, sáng tạo hơn trong xây dựng nông thôn mới, dành sự quan tâm thích đáng hơn cho xây dựng nông thôn mới thì mục tiêu 20% số xã hoàn thành nông thôn mới vào năm 2015 là có khả năng thực hiện được.
- Theo ông, đâu là những khó khăn, thiếu sót cần khắc phục trong quá trình triển khai chương trình này?
Thực tế chúng tôi thấy ở một số nơi tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích về nông thôn mới vẫn diễn ra. Nhiều nơi đã huy động quá sức dân để xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó ở một số nơi tư tưởng ỷ lại (cả cán bộ và người dân ) và sự hỗ trợ của nhà nước còn rất lớn.
Do vậy nông thôn mới chưa thực sự bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của chính người dân nông thôn, người dân nông thôn chưa thực sự là chủ thể của nông thôn mới.
Ban Chỉ đạo đã có văn bản chỉ đạo các địa phương cần chấn chỉnh lại về nhận thức và cách thức triển khai xây dựng nông thôn mới vì tôi xin được khẳng định đây là chương trình lâu dài, không được nóng vội, phải chủ động, sáng tạo, phát được sức mạnh của người dân, phát huy được dân chủ của người dân thì mới bền vững được.
Về thay đổi chính sách trong xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng với các Bộ, ngành, địa phương rà soát các cơ chế chính sách cho xây dựng nông thôn mới.
Những chính sách nào còn thiếu sẽ được bổ sung, các chính sách nào chưa phù hợp sẽ nghiên cứu và thống nhất với các Bộ ngành để đề nghị điều chỉnh, thay thế. Vấn đề cốt lõi là tập trung tháo gỡ những khó khăn về cơ chế cho đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nâng cao sản xuất và đời sống, sinh hoạt cho người dân nông thôn!
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Kiên Trung (thực hiện)
Nguồn vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã