Người dân trở thành “cổ đông” của công ty cung cấp nước sạch
Nam Định là 1 trong 4 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng được chọn triển khai thí điểm Dự án cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đồng bằng sông Hồng từ giai đoạn 1. Tham gia chương trình với tổng nguồn vốn 110 triệu USD, Nam Định được cấp hơn 700 tỉ đồng (khoảng 25 triệu USD). Nguồn vốn này dùng để xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch tại các xã, truyền thông nâng cao nhận thức và hành vi thông qua hoạt động của Quỹ quay vòng, xây dựng các công trình nhà bếp, nhà vệ sinh khép kín và thu gom rác thải tại cộng đồng. Đến nay, Nam Định được đánh giá là tỉnh triển khai tốt nhất trong khuôn khổ dự án; tại 39/238 xã được chọn triển khai dự án, tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch lên đến 85%.
Phụ nữ vay vốn từ Quỹ quay vòng. |
Từ ngày có nước sạch, ông Vũ Duy Thông ở thôn Thiện An, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, cho biết, sức khỏe của gia đình ông được cải thiện hẳn, không còn bệnh tiêu chảy và đau mắt như khi dùng nước giếng khoan và nước ao.
Dùng nước sạch, người dân còn có thể trở thành “cổ đông” của Công ty cung cấp nước sạch Nam Định. Mô hình cổ phần hóa công ty cung cấp nước sạch được tổ chức theo hướng Nhà nước nắm cổ phần chi phối với 88,19%, do CTCP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Nam Định đại diện. Số vốn đối ứng tương đương 11,81% do nhân dân trong xã đóng góp. Các “cổ đông là người tiêu dùng” cử ra 1 đại diện là chủ nhiệm hợp tác xã tham gia vào Hội đồng quản trị của công ty, có trách nhiệm truyền đạt những thông tin từ hoạt động kinh doanh của công ty tới các cổ đông, đồng thời là người tiếp nhận phản hồi trực tiếp từ cổ đông về công ty. Hình thức quản lý này không những giúp người dân được dùng nước sạch với giá gốc, mà còn là động lực để mọi người tiết kiệm nước, giảm thất thoát và bảo vệ hệ thống cấp nước.
Cộng đồng tự quản để phát triển bền vững
Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân được chú trọng thực hiện ngay từ khi bắt đầu khởi động dự án với sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương và Quỹ quay vòng do Hội Phụ nữ tỉnh đảm trách. Có nước sạch, các hội viên phụ nữ còn được tiếp cận khoản vay từ 3 đến 10 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 6%/ năm, để xây dựng các công trình vệ sinh đảm bảo vệ sinh. Với nguồn vốn ban đầu là 25 tỉ đồng, sau 7 năm triển khai dự án, đến nay đã có hơn 12.000 lượt hộ gia đình được vay vốn, tương đương 49,6 tỉ đồng.
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực, phấn khởi cho rằng, dự án triển khai đã giúp địa phương đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở cả 19 tiêu chí.
Ban quản lý dự án tiếp tục chọn thêm 10 xã để thực hiện bổ sung dự án. Theo ông Vương Duy Nam, Giám đốc CTCP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Nam Định, dự án thành công là do công tác truyền thông được thông suốt ngay từ khi bắt đầu triển khai. Người dân được tham gia ngay từ đầu, tạo nên sự minh bạch và tin tưởng của cộng đồng.
Ông Bùi Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh Nam Định sẽ đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp và hỗ trợ để thực hiện tiếp dự án trong thời gian tới, để người dân tại 238 xã trên toàn tỉnh sẽ được sử dụng nước sạch.
Bài và ảnh:P.V
Theo baotintuc.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã