Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị tỉnh Gia Lai cần ưu tiên thực hiện trước những tiêu chí nông thôn mới không đòi hỏi đầu tư lớn - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, tính đến cuối năm 2011, tỉnh đã hoàn thành công tác rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn, lập và phê duyệt đồ án quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới tại tất cả 185 xã; 17 huyện, thị xã, TP cũng đã hoàn thành việc lập và phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới cấp huyện.
Nhận thức đúng về nông thôn mới
Trong hai năm 2011 - 2012, toàn tỉnh đã huy động các nguồn vốn để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là hơn 3.455 tỷ đồng trong đó chủ yếu là ngân sách tỉnh, đạt 879,96 tỷ đồng, vốn lồng ghép gần 1.302 tỷ đồng.
Riêng đối với 45 xã điểm, tỉnh đã đầu tư tổng cộng 268 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh Gia Lai có 122 xã đạt từ 1 - 5 tiêu chí, 46 xã đạt từ 6 - 8 tiêu chí, 14 xã đạt từ 9 - 13 tiêu chí, 3 xã đạt từ 14 - 18 tiêu chí. UBND tỉnh đã chỉ đạo chọn 6 xã đạt trên 10 tiêu chí để tập trung đầu tư đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối năm 2013, đồng thời mỗi huyện, thị xã chọn thêm 1 - 2 xã đạt trên 7 tiêu chí để đầu tư đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2014.
Khó khăn lớn nhất của Gia Lai trong xây dựng nông thôn mới là năng lực cán bộ, đặc biệt là cấp xã, còn nhiều hạn chế nên gặp không ít lúng túng, kết quả thực hiện còn chậm so với kế hoạch và mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, là tỉnh có địa bàn rộng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 40%, trình độ dân trí còn thấp, phương thức sản xuất còn lạc hậu, nhận thức của nhân dân về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Từ thực tiễn triển khai xây dựng nông thôn mới, ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng trong xây dựng nông thôn mới ở những địa phương như Gia Lai, các tiêu chí cần được cụ thể hóa cho phù hợp với từng địa bàn, từng địa phương cụ thể, phù hợp với trình độ phát triển, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, không nên áp dụng đại trà trên toàn quốc.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai, đặc biệt là việc sớm hoàn thành xây dựng và phê duyệt quy hoạch trên toàn tỉnh; huy động hiệu quả nguồn lực dành cho nông thôn mới.
Trong thời gian tới tỉnh cần có hình thức tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu đúng, nhận thức đúng về xây dựng nông thôn mới, phải là người vào cuộc triển khai một cách tự giác, trực tiếp.
Đối với những tiêu chí nông thôn mới không đòi hỏi đầu tư lớn, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, cần được ưu tiên thực hiện trước. Đối với các xã điểm sẽ được ưu tiên hơn, nhưng với các xã chưa được chọn làm điểm cũng cần thiết phải nâng dần việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Đổi mới nông, lâm trường vẫn vướng về vốn, mô hình
Về nội dung sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng đoàn công tác Chính phủ đã đi kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chiêng, ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho biết nhiều công ty nông, lâm nghiệp chuyển đổi từ mô hình nông, lâm trường quốc doanh gặp khó khăn về mô hình hoạt động, vốn sản xuất - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Đơn vị được chuyển đổi từ mô hình lâm trường sang công ty lâm nghiệp từ năm 2007, đến 2011 lại chuyển đổi thành mô hình Công ty TNHH một thành viên, hiện đang quản lý tốt 18 ngàn ha rừng, khai thác bước đầu có lãi. Năm 2012 tổng doanh thu của công ty đạt hơn 8,7 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công ty này vẫn gặp nhiều khó khăn vì đổi mô hình, nhưng vẫn hoạt động theo cơ chế cũ, một nửa làm kinh doanh, một nửa làm nhiệm vụ công ích, nên không chủ động được kinh doanh, tài chính. Thiếu vốn vì không có tài sản thế chấp, nên sản xuất chưa mang lại hiệu quả cao, thiếu kinh phí rà soát quy hoạch đất đai…
Đây cũng là khó khăn chung của nhiều nông, lâm trường khác tại tỉnh Gia Lai.
Đại diện UBND tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, tỉnh đã chuyển đổi các nông, lâm trường thành 3 công ty TNHH MTV nông nghiệp, 11 công ty TNHH MTV lâm nghiệp, 20 ban quản lý rừng phòng hộ, 1 vườn quốc gia và 1 khu bảo tồn thiên nhiên; chuyển chính quyền cấp xã quản lý 334.463 ha. Sau khi sắp xếp, cơ cấu vốn điều lệ của các công ty TNHH MTVnông lâm nghiệp rất nhỏ, bình quân đạt 4,87 tỷ đồng/đơn vị.
Tuy đời sống của người lao động (hộ công nhân nhận khoán) đã dần được cải thiện, nhưng đối với các hộ gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng thiếu sản lượng khoán vẫn thường xuyên diễn ra. Khả năng đầu tư vào vườn cây còn hạn chế, một phần do phong tục tập quán còn lạc hậu, trình độ nhận thức và khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, dẫn đến năng suất lao động thấp.
Bên cạnh đó, do cơ chế hoạt động của các công ty lâm nghiệp hiện chủ yếu dựa vào chỉ tiêu khai thác gỗ từng tự nhiên được giao hàng năm, nhưng riêng trong năm 2012, chỉ có 2 công ty có chỉ tiêu khai thác, còn lại 9 công ty không có chỉ tiêu, do vậy, không có kinh phí để hoạt động.
Trước tình hình thực tế, Gia Lai đề nghị phương án sắp xếp đổi mới trong thời gian tới, là chuyển lại các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp sang thành Lâm trường quản lý rừng phòng hộ và Lâm trường quản lý rừng sản xuất khai thác gỗ. Còn đối với các Công ty TNHH một thành viên thì tiến hành cổ phần hóa theo quyết định 14/2011 của Thủ tướng Chính phủ, nhà nước giữ hơn 50% cổ phần.
Ông Hà Sơn Nhin, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, thẳng thắn nhìn nhận, tài nguyên rừng giao cho các công ty nông, lâm nghiệp là rất lớn, trong khi việc kiểm soát không được thực hiện một cách bài bản. Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đề nghị cần khảo sát, rà soát để đánh giá tổng thể thực trạng của các nông, lâm trường, từ đó phân loại rõ từng loại rừng.
Những khó khăn, kiến nghị của tỉnh Gia Lai về nội dung này đã được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ghi nhận để trên cơ sở đó nghiên cứu, tháo gỡ một cách hiệu quả.
Về mô hình hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng… Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng nên có sự phân loại một cách phù hợp với từng loại rừng, từng địa bàn cụ thể.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trồng cây lưu niệm tại Quảng trường Đại đoàn kết, TP Pleiku, Gia Lai - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng sản xuất, nhất thiết phải có quy hoạch, đảm bảo hiệu quả, có thể quản lý được đồng thời có chính sách để phân cấp cho địa phương quản lý một cách chặt chẽ. Việc cho khai thác rừng tự nhiên cần có sự kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chỉ khai thác ở một tỷ lệ nhất định, tránh tình trạng lợi dụng chủ trương để tàn phá rừng.
Trên cơ sở những ý kiến thảo luận tại các cuộc khảo sát, làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị tỉnh Gia Lai cần sớm tiến hành tổng kết, đánh giá lại để kiến nghị được những chính sách thực sự phù hợp trong đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của nông, lâm trường quốc doanh.
Xuân Tuyến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã