Đó là hiệu quả của mô hình phối hợp giữa doanh nghiệp và trung tâm dạy nghề ở Hàm Yên (Tuyên Quang). Để nâng cao đời sống, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân, những năm gần đây, huyện Hàm Yên rất chú trọng đến việc đào tạo nghề, trong đó các gia đình chính sách được ưu tiên hàng đầu. Tính riêng năm 2012, huyện đã mở 23 lớp với hơn 500 học viên tham gia, tổng kinh phí khoảng 437 triệu đồng.
Vụ cam năm 2012, anh Giáp Văn Chung thu 30 tấn cam. |
Dạy nghề dễ học, dễ làm
Ông Đinh Văn Phán - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Hàm Yên cho biết, trung tâm được thành lập năm 2010, có 8 phòng học và hội trường, nhưng hiện mới có 8 cán bộ giáo viên, do đó phải thuê giáo viên ở các trường khác. “Năm 2012, chỉ tiêu dạy nghề theo Đề án 1956 của T.Ư giao về muộn (tháng 6), do thời gian ngắn, Trung tâm chủ yếu tập trung vào dạy các nghề dễ học, dễ làm như dệt thổ cẩm, chăn nuôi, trồng trọt…” - ông Phán cho biết thêm.
Theo ông Phán, nghề dệt thổ cẩm hiện rất phát triển và hợp với bà con dân tộc. Ngoài ra, nghề chăn nuôi và trồng trọt cũng đang phát huy hiệu quả. Anh Giáp Văn Chung - một trong những người được học nghề kỹ thuật chăm sóc cam sành và hiện có 600 gốc cam, phấn khởi cho biết: “Tôi đã trồng cam hơn chục năm nay, kỹ thuật trồng do mình tự học hỏi, mày mò, chứ chưa được học qua lớp đào tạo nào. Năm 2011, tôi tham gia lớp học về kỹ thuật chăm sóc cây cam, do các giáo viên giàu kinh nghiệm của trung tâm giảng dạy, tôi ngộ ra nhiều điều. Trước đây, mình cứ để cam ra cành tự nhiên, không tỉa nên quả nhỏ, giờ được học nghề, tôi áp dụng tỉa cành, vườn cam vừa thoáng mà quả lại sai, to. Vụ cam vừa rồi, tôi bán 30 tấn, thu về gần 300 triệu đồng”.
Nhiều nhà thoát nghèo
Năm 2012, ngoài được học nghề, 16 gia đình chính sách nghèo còn được huyện, các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ dưới nhiều hình thức, như mỗi hộ được hỗ trợ 5 triệu đồng, hỗ trợ con giống lợn, gà, phân bón, tiền xây nhà… Ông Ngô Tiến Chúc ở thôn 2 Thuốc Hạ, xã Tân Thành, một trong những gia đình chính sách nghèo được hỗ trợ cho hay: “Năm ngoái, tôi được Lâm trường Tân Thành và Hội Phụ nữ huyện hỗ trợ 5 triệu đồng mua lợn giống, 3 tạ phân NPK để trồng lúa, ngô và huyện hỗ trợ 6 triệu đồng để hoàn thiện ngôi nhà. Nhờ sự giúp đỡ của huyện và các tổ chức, doanh nghiệp, gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Anh Giáp Văn Chung
Đầu năm 2012, gia đình chị Ninh Thị Nương (xã Thành Long) đã được Công ty TNHH Vinh Ánh hỗ trợ vốn mua 300 con gà giống, 4 con lợn, thức ăn chăn nuôi và phân bón. Từ sự hỗ trợ này, cùng với nỗ lực của bản thân, gia đình chị đã cơ bản thoát nghèo. Theo khảo sát của UBND huyện Hàm Yên, năm 2012, trong số 16 gia đình chính sách được hỗ trợ học nghề, vốn, vật nuôi, phân bón, hiện đã có 13 hộ thoát nghèo, với thu nhập khoảng 1 triệu đồng/người/tháng, chỉ còn 3 hộ có thu nhập khoảng 600.000 đồng/người/tháng.
Năm 2013, Hàm Yên phấn đấu giảm số hộ nghèo còn 5%, ngoài các hình thức kích cầu, hỗ trợ khác như cho vay vốn, hỗ trợ con giống… huyện rất chú trọng đến công tác dạy nghề. Ông Phán bày tỏ: “Nhiệm vụ dạy nghề của trung tâm năm nay rất nặng nề, chúng tôi đã lên kế hoạch bố trí phòng, giáo viên, nhưng hiện vẫn chưa nhận được chỉ tiêu và ngân sách. Dự kiến, trung tâm sẽ mở 20 lớp, với khoảng 800 học viên, nếu chỉ tiêu giao muộn như năm ngoái thì rất khó hoàn thành”.
Sưu tầm: Minh Tâm
Nguồn: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã