Chứng kiến đợt ra quân làm giao thông nông thôn một ngày đầu xuân ở xóm Trung, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh, tôi thấy ngay sau lễ phát động, máy móc được đưa vào tiến hành giải phóng mặt bằng để chuẩn bị cho việc mở rộng đường liên thôn mà không thấy sự phản kháng nào từ phía nhân dân. Nhìn chung, hầu hết các gia đình trong diện phải giải tỏa đều đồng thuận với chủ trương của xã và thành phố.
Những dãy hàng rào kiên cố được người dân tình nguyện phá dỡ để mở đường |
Nhà bà Lê Thị Hồng là hộ gia đình đầu tiên hiến đất trong đợt ra quân lần này. Ngay cả đến diện tích đất riêng của gia đình hiến cho việc mở rộng đường là bao nhiêu, bà cũng không biết chính xác. Nhưng một lí lẽ đơn giản nhất mà bà biết rõ: đó là việc hy sinh phần đất của gia đình là hợp tình, hợp lí. Bà Hồng bày tỏ: “Giờ là thành phố rồi. Phải làm đẹp đường, đẹp xóm, làm răng cho được như thành phố chứ. Tính toán chi vài mét đất mà để đường làng ngõ xóm nhỏ hẹp, bẩn thỉu coi răng được.”
Cùng với lí lẽ đó, gia đình chị Võ Thị Nhu cũng đã quyết định tự di dời phần bờ rào nhà mình vào trong mốc làm đường, từ trước khi có lễ phát động ra quân làm giao thông nông thôn của xã Thạch Hạ. Chị Nhu cho rằng: mọi người trong xóm làm thế nào, thì mình theo phong trào chung đó.
Người dân hăng hái tham gia giải phóng mặt bằng mở rộng đường liên thôn |
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thì ở Thạch Hạ, giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất. Theo tính toán, xã Thạch Hạ phải tiến hành mở rộng 15 km đường trục thôn, bình quân mỗi bên mở thêm 1 mét. Theo đó, giá trị đất đai và tài sản của nhân dân phải nhường cho chiến dịch mở đường ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng. Đây là một lực cản không nhỏ trong việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn của xã, trong thời điểm “tấc đất, tấc vàng” như hiện nay.
Tuy nhiên, nhờ công tác tuyên truyền nên người dân đã nhận thức được khá đầy đủ về nội dung và yêu cầu của chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung và phát triển hệ thống giao thông nông thôn nói riêng. Bởi vậy, trong phong trào hiến đất làm đường ở xã Thạch Hạ xuất hiện ngày càng nhiều những hộ gia đình tiêu biểu. Có những hộ đã hiến trên 100m2 đất vườn, cho dù ở thời điểm giá đất khá cao. Ông Lê Đức Tuyền, Bí thư Chi bộ xóm Trung, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh cho rằng: “Quan trọng là nhận thức của người dân. Ở xóm Trung, ưu điểm là dân có nhận thức đầy đủ nên họ tự nguyện, họ nghĩ mở rộng đường làm đẹp thôn xóm thì cũng có lợi cho mình.”
Từ những con đường nhỏ hẹp sẽ được mở rộng thành những con đường lớn theo đúng quy chuẩn nông thôn mới. Đó không chỉ là chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ chính trị, mà cũng chính là mong mỏi của người dân. Và việc xã Thạch Hạ có thực hiện được thành công tiêu chí về giao thông nông thôn hay không, thì chủ yếu cũng dựa vào sức dân.
Có mặt tại buổi lễ ra quân làm giao thông nông thôn ở xã Thạch Hạ, ông Nguyễn Duy Hòa, Trưởng phòng Kinh tế UBND TP Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi cho rằng, Thạch Hạ đã làm được như thế này là rất tốt, người dân ở đây đã có ý thức rất cao trong phong trào chung của xã. Tin rằng Thạch Hạ sẽ thực hiện thành công tiêu chí về giao thông nông thôn, góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới vào năm 2013. Chúng tôi đã mời lãnh đạo của các đơn vị thực hiện xây dựng nông thôn mới trong thành phố về dự để học tập cách làm của xã Thạch Hạ trong vấn đề huy động sức dân.”
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã