Không rập khuôn
Thanh Hóa có đến 5.486 thôn, bản/585 xã thuộc 27 huyện, thị, thành phố; trong đó có 102 xã/7 huyện thuộc diện 30a. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn nên khi Chương trình XD NTM ra đời, Thanh Hóa còn gặp nhiều bỡ ngỡ.
Với những khó khăn nêu trên, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời tổ chức các cuộc họp, bàn cách làm sao thực hiện chương trình cho có hiệu quả. Khi đưa ra được quyết sách, BCĐ XD NTM cấp tỉnh, huyện, xã lần lượt được thành lập để cùng nhau thực hiện chương trình.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hoá, cho hay: "Đầu năm 2011, Thanh Hóa bắt tay XD NTM. Bước đầu nhập cuộc, chúng tôi thực sự bỡ ngỡ, thậm chí chưa hiểu NTM sẽ làm gì; không xác định được phải bắt đầu từ đâu; phải chỉ đạo người dân làm việc gì trước, việc gì sau... Nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể Văn phòng điều phối nên mọi khó khăn cũng dần qua đi".
Trên cơ sở chiến lược hoạch định rõ ràng, Thanh Hóa lựa chọn 11 xã thực hiện chỉ đạo điểm. Để mỗi người dân hiểu về công cuộc XD NTM, Văn phòng điều phối biên soạn, phát hành 3 bộ tài liệu tuyên truyền XD NTM; phối hợp với các địa phương tổ chức gần 30 lớp tập huấn cho hơn 6.000 cán bộ các ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh; BCĐ cấp huyện, xã và thôn bản.
Về thực hiện quy hoạch, Thanh Hóa không triển khai tách biệt mà thực hiện theo kế hoạch "ba trong một", cách làm này vừa nâng cao chất lượng quy hoạch vừa giảm bớt kinh phí thực hiện. "Ngoài 11 xã điểm hoàn thành phê duyệt riêng 3 loại quy hoạch, các xã còn lại đều thực hiện quy hoạch chung "ba trong một". Kinh phí thực hiện theo cách làm này so với thực hiện quy hoạch riêng biệt tiết kiệm bình quân từ 24-124 triệu đồng/xã, tương đương 100-120 tỷ đồng trên toàn tỉnh", ông Đỗ Thế Hạnh, Chánh văn phòng điều phối XD NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết.
Về việc thực hiện các tiêu chí, Thanh Hóa cũng thực hiện theo cách riêng của mình, không nóng vội làm ồ ạt, không đốt cháy giai đoạn. Với nguồn kinh phí hỗ trợ hạn chế, đa phần dựa vào nội lực của người dân và huy động các tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia nên việc thực hiện các tiêu chí như: hạ tầng, giao thông... rất khó để hoàn thành, mà mục đích chính của XD NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nên quá trình XD NTM không thể là gánh nặng cho người dân. Vì thế, tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các địa phương thực hiện XD NTM ngay từ trong gia đình, từ thôn bản khá giả để hình thành nên gia đình kiểu mẫu, thôn bản kiểu mẫu làm gương cho các hộ dân khác, làng xã khác noi theo. Đặc biệt, quá trình thực hiện các tiêu chí, Thanh Hóa không rập khuôn theo bộ tiêu chí Trung ương đề ra mà tùy vào điều kiện từng địa phương để điều chỉnh sao cho hợp lý.
Xuất hiện nhiều cách làm hay
Với phương châm XD NTM trên cơ sở gìn giữ hồn quê Việt, khi thực hiện xây dựng Trung tâm Văn hóa (TTVH) - tiêu chí văn hóa, xã Nga An (huyện Nga Sơn) đã xây dựng theo nhu cầu của người dân. Theo đó, TTVH được xã và dân thống nhất xây dựng vừa đảm bảo sinh hoạt hội họp vừa kết hợp truyền thống văn hóa, tâm linh.
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, Thanh Hóa đã vận động được hơn 18.300 hộ dân hiến trên 303ha đất phục vụ cho công cuộc XD NTM. Một số địa phương đi đầu trong phong trào hiến đất như huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Thiệu Hóa, Như Thanh, Đông Sơn, Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc...
Đường giao thông ở huyện Như Thanh được mở rộng đúng tiêu chí XD NTM |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền cho rằng: "Quá trình XD NTM ở Thanh Hóa tuy gặp phải nhiều khó khăn nhưng với những sáng tạo từ các địa phương, sự đồng thuận của mỗi người dân, đến nay có thể khẳng định, công cuộc XD NTM ở Thanh Hóa đang từng bước phát huy hiệu quả thiết thực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt".
Công cuộc XD NTM ở Thanh Hóa không chỉ dừng lại ở 19 tiêu chí, mà có thể vượt lên trên 19 tiêu chí đề ra, nhưng cũng có thể chỉ xoáy vào một số tiêu chí nhằm nâng cao đời sống thu nhập cho người dân, xây dựng làng quê văn minh, kiểu mẫu dựa trên truyền thống làng quê Việt Nam có từ ngàn đời nay.
Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa xây dựng được trên 2.500km đường GTNT; 773km giao thông nội đồng; xây mới, nâng cấp gần 7 nghìn phòng học; nâng cấp gần 900 công trình thửy lợi phục vụ tưới tiêu; hỗ trợ hàng trăm tấn xi măng cho các xã thực hiện XD NTM; xây dựng, nhân rộng 119 mô hình phát triển SX có hiệu quả... với tổng số tiền trên 450 tỷ đồng. Về thực hiện các tiêu chí, nhóm 11 xã điểm của tỉnh đã có 2 xã đạt trên 15 tiêu chí là: Thiệu Trung (Thiệu Hóa) và Quý Lộc (Yên Định); 6 xã đạt từ 11-13 tiêu chí; 3 xã đạt từ 7-8 tiêu chí. Theo đúng kế hoạch, cuối năm nay, 2 xã Thiệu Trung và Quý Lộc sẽ hoàn tất các tiêu chí NTM, phấn đấu đến 2015 có 117 xã đạt xã NTM. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã