Bộ Tài chính vừa ban hành văn bản hướng dẫn việc phân bố nguồn ngân sách nhà nước và huy động nguồn ngoài ngân sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, NSNN hỗ trợ 100% cho các xã để thực hiện công tác quy hoạch; xây dựng trụ sở xã; kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn bản, cán bộ hợp tác xã.
Hỗ trợ tối đa 100% cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã thuộc các huyện nghèo thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP để xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đường giao thông thôn, xóm; giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã...
Đối với các xã còn lại, hỗ trợ một phần từ NSNN cho: Xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đường giao thông thôn, xóm; giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hóa xã, thể thao thôn, bản; hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản...
Bộ Tài chính đề nghị UBND cấp tỉnh ưu tiên phân bổ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những xã không có khả năng huy động người dân đóng góp để đầu tư cơ sở hạ tầng, tránh tình trạng phân bổ bình quân, dàn trải.
Đồng thời, việc xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, phải căn cứ vào khả năng nguồn vốn của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn huy động và khả năng đóng góp của doanh nghiệp, người dân để xác định lộ trình xây dựng nông thôn mới phù hợp, không nóng vội chạy theo thành tích.
Việc huy động đóng góp phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương, không quy định cứng nhắc tỷ lệ chi của nhà nước và đóng góp của nhân dân. Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ và phải được sự đồng tình của người dân.
"Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân; không giao chỉ tiêu huy động, không gắn việc đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng; không được yêu cầu những hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách phải đóng góp", Bộ Tài chính yêu cầu.
Cùng với đó, xây dựng nông thôn mới phải chú trọng đến công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn với phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Tuyệt đối không để tình trạng xây dựng nông thôn mới làm tăng gánh nặng, tăng nghèo cho người dân, chú trọng hướng dẫn tổ chức, hỗ trợ người dân thực hiện các nội dung về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, tạo cảnh quan môi trường nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thông, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo sự bình yên cho cuộc sống của người dân nông thôn.
Đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Nơi nào, cấp nào để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, gây khó khăn trong việc xác nhận và giải quyết quyền lợi chính đáng của nhân dân theo chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước ... thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và phải được kiểm điểm trách nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật./.