Thu hoạch sớm, năng suất cao, tránh rét an toàn và sạch sâu bệnh là những kỳ tích mà trà lúa xuân muộn đã làm nên trong vụ đông xuân 2011- 2012. Dù là phản ứng tức thời hay hữu ý thì tựu trung lại, một hướng sản xuất mới đang dần được mở ra làm thay đổi cả tập quán canh tác đã cũ kỹ vốn tồn tại lâu đời trong tư duy làm ruộng của bà con nông dân tỉnh ta…
Thay đổi tư duy
Trong khi đa số các tỉnh phía bắc đã quá quen với cơ cấu vụ xuân thì đối với bà con nông dân tỉnh ta việc xóa bỏ trà xuân sớm để thay thế bằng những giống lúa thuộc trà xuân muộn vẫn là một khái niệm khá mới mẻ. Dẫu đã được định hướng từ đầu vụ sản xuất, song hầu như năm nào cơ cấu tỷ lệ lúa trà xuân muộn của các địa phương cũng chỉ đạt ngưỡng 30%- 40% là cùng, còn lại chủ yếu là xuân sớm và xuân trung. Không phải hoàn toàn là chậm tiến, song có lẽ phần nhiều vẫn là do tư duy làm ruộng rập khuôn, “tay quen” theo tập quán cũ đã ăn sâu vào tiềm thức của nhà nông mà nếu không có những điều kiện lịch sử thì có lẽ khó bề mà thay đổi được.
Trong số hiếm hoi các địa phương tiên phong chuyển mình, xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) có hoàn cảnh khá đặc biệt so với các vùng khác. Nằm trong lòng đê của hồ Kẻ Gỗ, xã Cẩm Duệ là cái “rốn” của mưa lụt trong mùa bão nổi. Khó khăn nhất là trong sản xuất nông nghiệp, vụ đông xuân và vụ hè thu gối đầu lên nhau khiến cho người nông dân ở đây luôn phải vắt chân lên cổ mà chạy đua với thời gian. Ấy thế mà cũng không thể thoát được cảnh “ăn bữa hôm, lo bữa mai” vì chỉ chậm chân ít ngày là hệ quả liên hoàn của vụ lúa sau không thể lường trước được. Ông Huy Huy Triền, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Khác với các vùng khác, nước lụt ở đây lên nhanh nhưng lại xuống rất chậm, do vậy chúng tôi phải tính toán làm sao cho thu hoạch đông xuân kết thúc sớm để còn kịp chạy lụt cho lúa hè thu. Kể từ 3 năm nay, xã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất 100% xuân muộn thay cho cả 3 trà lúa như trước đây, đời sống của bà con đã thay đổi hẳn. Kể cả đợt rét hồi đầu năm, khi các xã trong huyện phải đối mặt với tình trạng lúa chết thì chúng tôi không mất một kg giống nào. Tránh được rét, sâu bệnh, năng suất lúa vụ này của xã đạt 52 tạ/ha, riêng các giống chất lượng đạt xấp xỉ 58 tạ/ha. Quan trọng nhất là canh tác một trà lúa đã tạo được sự đồng nhất cả về giống, thời vụ trong sản xuất”. Quả thật, trong khi 40% diện tích trên đồng ruộng Cẩm Xuyên vẫn cố hữu với IR 1820 thì tại mảnh đất bán địa này lại tiên phong tìm đến: TH3-3, VTNA2, HT1, Nếp 97. Và thực tiễn đã chứng minh sự lựa chọn đó là hoàn toàn đúng đắn. khi lúa vụ đông xuân vừa qua cho năng suất cao, đồng đều và thời vụ Bác Nguyễn Văn Huân, xóm Quang Trung cho hay: “Từ ngày đổi giống đến nay, năm nào lúa của gia đình tôi cũng thắng lớn. Giống lúa xuân muộn dễ làm, ít sâu bệnh nên giảm được rất nhiều chi phí trong khi giá đầu ra vẫn cao và được thương lái ưa chuộng. Chúng tôi kết thúc thời vụ thu hoạch trước trung bình của huyện gần nửa tháng”. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích hè thu đã gieo cấy xong, đảm bảo đùng tiến độ vượt lũ an toàn cho lúa trong mùa mưa bão tới. Cũng như Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên), các huyện miền núi như Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, Can Lộc cũng đang từng bước khẳng định sự lựa chọn đúng đắn của mình trong định hướng sản xuất phù hợp với biến đổi khí hậu.
Lúa lai TH3-3 tiếp tục khẳng định chất lượng, hiệu quả trên đồng ruộng đông xuân |
Đợt rét hồi đầu năm được xem là một điều kiện lịch sử quan trọng trong chuỗi cộng hưởng các yếu tố cho cuộc cách mạng thay đổi tập quán sản xuất của nông dân Hà Tĩnh, gồm: quyết tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền; bộ chính sách vững vàng và thời cơ từ điều kiện thời tiết. Đúng khi cuộc cách mạng về giống lúa đang ở cao trào ở các địa phương như: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Lộc Hà…, bước chuyển tiếp đã tạo được sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của đa số bà con. Anh Nguyễn Văn Thành, xã Thạch Đài (Thạch Hà) cho biết: “Ban đầu đổi giống vì trong nhà chẳng còn hạt giống nào dự trữ nữa, đành chờ hỗ trợ giống mới từ huyện. Bây giờ, mắt thấy, tay làm rồi mới thấy những giống lúa ngắn ngày vụ xuân nổi trội hơn nhiều. Thu hoạch sớm hơn dự kiến gần cả tháng trời, vợ chồng tôi dôi dư thời gian để tính toán cho sản xuất hè thu một cách an toàn. Chắc chắn tôi sẽ chọn xuân muộn cho ruộng nhà trong những năm tới”
Điểm nhấn lúa chất lượng cao
Phải nói rằng, vụ đông xuân 2011- 2012 tiếp tục là “sân nhà” của TH3-3, VTNA2, QR1, Nếp… Vượt xa các giống lúa cùng phẩm cấp, các giống lúa chủ lực đã thể hiện hết mình về năng suất, chất lượng và sự thích ứng để chiếm trọn được niềm tin của bà con nông dân trong vụ lúa năm nay. Ông Hoàng Văn Hà, xã Khánh Lộc (Can Lộc) cho biết: “Qua thử nghiệm một vụ sản xuất giống lúa TH3-3, 3 vụ liên tiếp (2 vụ đông xuân và 1 vụ hè thu- PV) gia đình tôi chỉ sản xuất một giống là TH3-3”. Theo sự chia sẻ kinh nghiệm của bà con thì đây là giống lúa hội tụ tất cả các yếu tố ưu việt: sạch sâu bệnh (nhất là đối với hai loài truyền thống và nguy hiểm đối với lúa hè thu là rầy nâu và đạo ôn); năng suất hiếm có giống lúa nào có thể vượt qua được, đạt 59- 60 tạ/ha và khả năng có thể đạt trên 70 tạ/ha; ngắn ngày, phù hợp với đồng đất chạy lụt. Quan trọng nhất, giống TH3-3 sẽ cho thu nhập khoảng 25- 26 triệu đồng/ ha, cao hơn các giống đại trà từ 8- 9 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, các giống lúa thuần QR1, VTNA2 đã thêm vào sự lựa chọn đúng đắn của nhà nông khi chất lượng của nó không hề thua kém giống lúa lai.
Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Năm nay là năm “nở rộ” của tập đoàn giống lúa mới trên đồng đất Hà Tĩnh. Tất nhiên, trong khi đề án cơ cấu bộ giống lúa và tổ chức sản xuất giống năng suất, chất lượng cao của tỉnh đang trong giai đoạn hoàn chỉnh thì việc khảo sát, khảo nghiệm các giống lúa mới chính là nhằm để tuốt lại bộ giống chủ lực thật tinh gọn. Đặc biệt, các giống mới xuất hiện trong vụ đông xuân năm nay đều hướng tới tiêu chí chất lượng và độ thích ứng cao, chứng tỏ nhu cầu sản xuất sản phẩm hàng hóa của bà con nông dân đã hình thành một cách rõ nét hơn. Đây chính là một tín hiệu tốt cho xu thế phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng và bền vững”. Theo đó, tập đoàn giống triển vọng như: BTE1, VS1, PD211, ĐTL2… đã khẳng định được dấu ấn tại các mô hình khảo nghiệm, mô hình sản xuất với năng suất bình quân từ 55- 60 tạ/ha (cao nhất là giống BTE1 đạt 68 tạ/ha); gạo dẻo, ngon và sạch sâu bệnh. Bác Võ Ngọc Bính, xã Yên Lộc (Can Lộc) chia sẻ: “Năm nay tôi chỉ làm hai loại giống, đó là BTE1 và TH3-3. Nhờ chọn được giống tốt mà năng suất gia đình tôi đạt 3,5 tạ/sào, cao nhất từ trước tới nay. Tôi vô cùng biết ơn Đảng và nhà nước đã luôn quan tâm đến lợi ích của bà con nông dân để chúng tôi không chỉ được no đủ mà còn có cơ hội tiếp cận với tiến bộ KHKT, từ đó đổi mới trong phương thức sản xuất của mình”.
Sẽ không là quá sớm khi khẳng định nông nghiệp tỉnh nhà đã xuất sắc hoàn thành giai đoạn chuyển tiếp sang chuyên canh, chất lượng thay thế cho nhỏ lẻ và manh mún trước đây. Bởi lẽ trà xuân muộn là một chiếc gương phản chiếu trung thực thực tiễn vụ đông xuân 2011- 2012 mà ở đó, trà lúa này đã giành lấy trọn vẹn ưu thế.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã