Những đợt mưa kéo dài dường như không ảnh hưởng đến nhịp sống hối hả, tinh thần lao động khẩn trương của những người công nhân, nông dân yêu lao động trên vùng chè. Đã vào cuối mùa vụ thu hoạch nhưng đây đang là thời điểm mà đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Xí nghiệp Chè Tây Sơn cùng với người dân tiến hành việc đốn chè theo quy trình chăm sóc. Giám đốc Xí nghiệp - Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Khoảng trung tuần tháng 12 là chúng tôi ngừng thu hái; tiếp đó, tiến hành tập huấn, hướng dẫn các hộ dân đốn chè đảm bảo quy trình và bón phân đúng kỹ thuật. Đốn chè là khâu cần thiết và đặc biệt quan trọng, nhằm tái tạo nguồn lực cho chè vụ sau tươi tốt hơn và cho sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu”.
Nông dân thôn Làng Chè (Sơn Kim 2 - Hương Sơn) thu hoạch chè. |
Qua những đồi chè trùng điệp, màu xanh ngút ngàn và tràn đầy sức sống, chúng tôi được chứng kiến cuộc sống no đủ của những người dân gắn bó với cây chè. Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 - Cao Kỷ Vị khẳng định: Từ lâu, chè đã trở thành cây kinh tế chủ lực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân miền núi Hương Sơn nói chung và địa bàn xã nói riêng. Hiện nay, toàn xã có hơn 800 hộ với hơn 2.000 khẩu là vệ tinh trồng chè cho doanh nghiệp với mức thu nhập bình quân từ 3,8-4 triệu đồng/người/tháng. Số hộ có thu nhập từ 70 triệu đồng/năm tăng nhanh, nhiều hộ doanh thu trên 100 triệu đồng.
Với phương châm sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, khép kín từ khâu chăm sóc, thu hoạch, bao tiêu sản phẩm đến chế biến và cung cấp cho thị trường, Xí nghiệp Chè Tây Sơn chú trọng tính bền vững, đảm bảo lợi ích lâu dài cho người nông dân. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, lâu nay, xí nghiệp luôn đặt mục tiêu giá trị của 1 kg chè phải bằng 1 kg thóc, ở thời điểm hiện tại đạt khoảng 6,8 ngàn đồng/kg chè tươi. Nhờ vậy, cuộc sống và thu nhập của người nông dân ngày càng được đảm bảo, các hộ yên tâm gắn bó với cây chè cũng như tin tưởng vào chiến lược đầu tư, phát triển của doanh nghiệp. Anh Phan Đình Nhàn - Trưởng thôn Làng Chè (xã Sơn Kim 2) cho biết thêm: Nhờ trồng chè, nhiều gia đình trong thôn đã có nguồn thu nhập ổn định, mua sắm tiện nghi sinh hoạt hiện đại, nuôi dạy con cái ăn học, trưởng thành.
Để đảm bảo chiến lược phát triển, năm nay, Xí nghiệp Chè Tây Sơn mở rộng diện tích trồng mới gần 90 ha. Trong đó, ngoài vùng trung tâm là xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2, đơn vị mở rộng sang vùng khác thuộc các xã Sơn Tây, Sơn Tiến, Sơn Lâm… Theo đó, xí nghiệp cho người dân vay 100% vốn, giảm giá vật tư, hỗ trợ tiền phân bón, thuốc trừ sâu theo quy chuẩn và theo sát bà con từ quá trình chăm sóc đến thời điểm thu hoạch. Bên cạnh đó, để có vùng nguyên liệu chất lượng cũng như sản phẩm an toàn, giống là vấn đề được xí nghiệp đặc biệt quan tâm. Hiện nay, vườn ươm giống tại chỗ đã đạt tỷ lệ xuất vườn ở mức 79% (cao nhất từ trước đến nay), là điều kiện cung ứng giống cho các đơn vị đảm bảo số lượng lẫn chất lượng. Xí nghiệp đang gấp rút chuẩn bị lượng giống phục vụ sản xuất năm 2015. Mầm xanh mới đang chờ ngày phủ kín những vùng đồi, đem lại cuộc sống ấm no giữa đại ngàn.
Thu Phương - Tiến Phúc
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã