Trên thực tế, năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng, hiệu quả sử dụng đất rừng ở Hà Tĩnh chưa cao.
Theo số liệu của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 361 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên. Trong đó, khoảng 75 nghìn ha đất rừng đặc dụng, 113 nghìn ha đất rừng phòng hộ và 173 nghìn ha đất rừng sản xuất với hệ sinh thái đa dạng. Đây là tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Song, trên thực tế, năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng, hiệu quả sử dụng đất rừng, giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa lâm nghiệp qua chế biến chưa cao.
Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến sản xuất lâm nghiệp hiệu quả chưa cao là do quá trình cơ giới hóa còn chậm và yếu. Kết cấu hạ tầng lâm nghiệp yếu kém, xuống cấp. Bên cạnh đó, tiềm năng về du lịch sinh thái rừng chưa được khai thác. Công tác khuyến nông, khuyến lâm chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp trên đất lâm nghiệp chủ yếu do tự phát, hiệu quả thấp.
Việc sản xuất giống cây lâm nghiệp ở Hà Tĩnh chủ yếu được thực hiện bằng thủ công.
Ông Trần Huy Hùng – cán bộ phụ trách bộ phận bảo vệ rừng - Hạt Kiểm lâm Hương Sơn, cho biết: Việc áp dụng cơ giới hóa ở Hương Sơn chỉ mới được thực hiện hai khâu chặt hạ và vận chuyển, còn nhiều khâu sản xuất quan trọng chiếm tỷ lệ khối lượng công việc lớn như trồng, chăm sóc, vận xuất và bốc xếp thì tỷ lệ áp dụng thấp. Việc trồng, chăm sóc vẫn chủ yếu được thực hiện thủ công. Hiện nay, tất cả hoạt động đào hố trồng cây, đóng bầu ương cây giống, trồng cây… vẫn chỉ được làm bằng tay.
Nói về những nguyên nhân của hạn chế này, ông Hùng cho rằng, địa hình đất lâm nghiệp ở Hà Tĩnh có độ dốc lớn, rất khó để đưa các thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất. Trong khi đó, thị trường KH&CN vẫn còn hạn chế, khi người dân có nhu cầu về máy móc cũng rất khó tìm được sản phẩm phù hợp. Bên cạnh đó, các sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp thường giá cao, người trồng rừng không đủ nguồn vốn, trong khi chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn ít. Chưa kể, các công trình cơ sở vật chất, đường giao thông… vẫn chưa được quan tâm đầu tư.
Người dân xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thu hoạch keo sau hơn 4 năm trồng. Ảnh tư liệu
Nói về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) Hoàng Quốc Huấn cho biết, để phát triển lâm nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ chế biến theo quy hoạch. Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là hệ thống giao thông tại các vùng sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm sản gắn với xúc tiến thương mại, tiêu thụ; từng bước tự động hóa các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Tập trung hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động ổn định các nhà máy chế biến gỗ, tiến tới sản xuất sản phẩm hoàn thiện, chế biến sản phẩm tiêu dùng cao cấp.
Nghị quyết sẽ là cơ sở cho ngành tham mưu các đề án, chính sách, khuyến khích cơ giới hóa; thu hút các nguồn lực đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế rừng và đất lâm nghiệp theo hướng phát triển các loại hình sản xuất nông, lâm kết hợp, du lịch, dịch vụ, liên kết vùng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Theo Dương Chiến/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã