Mặc dù đang là thời kỳ chính vụ sản xuất muối, nhưng trên cánh đồng muối Châu Hạ, xã Thạch Châu (Lộc Hà) chỉ có lác đác mươi hộ ra đồng sản xuất. Nhiều diện tích ruộng muối chưa cày xới, đầm nền. Hệ thống máng chạt hư hỏng, không được tu bổ. “Toàn thôn có 135 hộ dân làm muối, với tổng diện tích gần 14ha. Tháng 5 là thời kỳ chính vụ sản xuất muối, nhưng đến nay mới có hơn 10 hộ triển khai sản xuất” – Bí thư Chi bộ thôn Châu Hạ Phan Văn Ty cho biết.
Gắn bó với nghề làm muối từ nhiều đời nay, chưa bao giờ ông Hoàn - một diêm dân ở thôn Châu Hạ lại thấy chán nản như bây giờ. Mặc dù năm nay giá muối có tăng lên so với những năm trước (1.600 - 1.7000 đ/kg), nhưng ông Hoàn cũng không thể sống nổi với nghề. “Với 2,5 sào muối, nếu “được mùa, được giá”, 2 vợ chồng làm cật lực cả ngày cũng chỉ được khoảng 200.000 đồng. Số tiền này này quá ít so với sức lao động mà chúng tôi bỏ ra. Nhà đang còn 3 đứa con ăn học, nên không thể trông chờ vào muối mà phải tìm nghề khác” – ông Hoàn nói.
Trước thu nhập bấp bênh của nghề muối, ông Hoàn và nhiều hộ gia đình ở thôn Châu Hạ đã bỏ đồng, tìm việc làm khác. “Nghề làm muối phụ thuộc vào thời tiết. Năm nào “được nắng” cũng chỉ sản xuất được 3 - 4 tháng. Trong khi đó, đi làm phụ hồ hoặc các nghề khác mưa nắng gì cũng có việc. Ngày công thấp nhất cũng được 250.000 - 300.000 đồng, ổn định hơn làm muối nhiều” – Bí thư Chi bộ thôn Châu Hạ, Phan Văn Ty cho hay.
Cũng theo Bí thư Chi bộ thôn Châu Hạ, một nguyên nhân nữa khiến diêm dân không an tâm đầu tư sản xuất, đó là hệ thống hạ tầng sản xuất chưa đảm bảo. Trước đó, cơn bão số 10/2017 làm vỡ đoạn đê ngăn và làm trôi cống lấy nước. Hậu quả làm hư hỏng hệ thống ô nại, lọc chạt và đồng muối bị bồi lấp hơn 3.000m3 bùn đất. Mặc dù sau đó huyện đã trích ngân sách khắc phục bằng cách đắp đê quai sanh, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.
“Hệ thống đê và cống lấy nước rất quan trọng đối với sản xuất muối cũng như đảm bảo an toàn cho đồng muối. Mùa mưa bão, đặc biệt là lụt tiểu mãn đang đến gần, nếu như hệ thống đê và cống lấy nước không được sửa chữa kiên cố thì bao công sức cải tạo đồng muối của diêm dân lại đổ xuống sông, xuống biển hết. Đây cũng là một trong những lý do khiến diêm dân không dám mạo hiểm đầu tư vào ruộng muối” – ông Ty nói.
Để diêm dân Châu Hạ có thể yên tâm hơn, bám trụ được với nghề làm muối truyền thống, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất phù hợp như đã từng triển khai đối với các ngành nghề sản xuất nông nghiệp khác. Đặc biệt, cần sớm đầu tư sửa chữa hệ thống đê vào cống lấy nước đảm bảo an toàn đồng muối trước khi mùa mưa bão đang đến gần.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã