Tầm 2h sáng, ông Đậu Văn Khoa (thôn Hội Thành 1, xã Xuân Hội, Nghi Xuân) đã lục đục chuẩn bị ngư cụ để cho thuyền vươn khơi khai thác mực. Với nghề dạ mực, ông Khoa giong thuyền ra tận vùng Đảo Mắt cách bờ khoảng chừng 12 hải lý buông lưới. Mỗi chuyến đi, thuyền của ông mang về từ 1,5 – 1,7 yến mực tươi, cho thu nhập khá cao.
Vừa cập cảng Xuân Hội, ông Khoa vui vẻ cho biết: Chuyến đi này thuyền của ông đánh bắt được gần 20 kg mực, trong đó có gần 5 kg mực sim. Đầu mùa mực chưa nhiều nhưng bán được giá cao nên rất phấn khởi. Mỗi kg mực tươi ông bán với giá từ 200 – 300 nghìn đồng/kg. So với năm trước, giá mực hiện tại cao gần gấp đôi. Tính ra, trừ chi phí, chuyến này mang về cho ông hơn 2 triệu đồng.
“Nghề dạ mực cũng khỏe, chỉ cần 2 lao động ra khơi. Xác định được ngư trường là buông lưới, khoảng 2 tiếng kéo lên một lần. Khi những con mực “nháy” được đưa lên thuyền, tôi lựa chọn và hấp ngay trên thuyền để mực “chất” hơn và bán được giá cao. Số còn lại, ướp đá mang về bán cho khách có nhu cầu...” – ông Khoa cho biết thêm.
Những ngày này, cứ tầm 15h chiều, cảng Xuân Hội lại trở nên tấp nập vì tàu thuyền đánh mực trở về. Sau nhiều tiếng lênh đênh ngoài biển, ngư dân đem về hàng khay mực trứng, da còn bóng loáng, óng ánh những chấm hồng chấm tía... Trên cảng, dưới thuyền, các tư thương “giành” nhau từng cân mực.
Toàn xã Xuân Hội có khoảng 40 tàu thuyền đi dạ mực ở các vùng khơi và vùng lộng. Trong một ngày đi biển, bình quân mỗi thuyền “kiếm” được từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng.
Trước đây, các tàu thuyền Xuân Hội thường phải đưa mực sang cảng Cửa Hội để bán. Bắt đầu từ năm nay, dịch vụ thu mua ở Xuân Hội phát triển nên họ về đây tiêu thụ. Vì thế, ngư dân tránh được tình trạng bị tư thương ép giá, chi phí cũng giảm hẳn nên lợi nhuận đạt cao.
Không làm nghề dạ mực như bà con ngư dân Xuân Hội, ở Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), người dân lại gắn bó với nghề câu mực. Ông Nguyễn Văn Thanh – Tổ trưởng Tổ đồng quản lý ven bờ xã Cẩm Nhượng, cho hay: Cứ tầm 17h chiều, gần 70 tàu thuyền ở xã Cẩm Nhượng lại ra biển câu mực. Khai thác vùng lộng nên chỉ sau một đêm là các tàu thuyền đã cập bến. Mực đầu mùa cho sản lượng thấp nhưng có giá cao, mỗi kg mực từ 350 – 400 nghìn đồng. Bà con ngư dân rất chịu khó bám biển vì lợi nhuận mang lại khá cao.
Thời gian gần đây, ngoài biển đều gặp gió đông - thời tiết lý tưởng để đánh bắt mực. Mùa mực hằng năm kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5 và có thể tiếp tục sinh sản thêm đợt mới nên tháng 7, tháng 8, ngư dân vẫn có thể đánh bắt.
Theo ngư dân nơi đây, có 2 loại mực mà họ hay đánh bắt được là mực trứng (mực cơm) và mực ống. Cả hai loại mực này thon mình, hơi dài, đuôi nhọn. Mực là loại hải sản được người dân ưa chuộng nên sức tiêu thụ rất lớn, có giá trị kinh tế cao. Ngoài mực tươi thì người dân còn chế biến các loại mực khô bán ra thị trường mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Theo Hữu Trung/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã