Nhớ lại những ngày tháng còn vất vả, anh Sỹ chia sẻ: “Từ năm 2013, vợ chồng tôi quyết định lên khu vực Khe Su này mở trang trại với diện tích 4 ha để chăn nuôi tổng hợp. Lúc đầu, tôi chỉ nuôi mấy đối tượng truyền thống như: gà, bò, lợn. Vợ chồng tôi sở hữu 50 con bò, trong đó 10 con bò lai sind, 40 bò nái địa phương; 200 con gà; trồng 1,5 ha sắn; 05 ha cỏ và rau muống cung cấp thức ăn phục vụ chăn nuôi”.
Nếu dừng lại ở đó, tính ra mỗi năm giống bò nái địa phương mà anh chị nuôi sản sinh từ 25-30 bò con, tổng lợi nhuận hàng năm từ chăn nuôi bò, gà của anh chị đạt từ 250-300 triệu đồng.
Thế nhưng, với bản tình cần cù, ham học hỏi, dám nghĩa, dám làm nên một lần tình cờ xem ti vi thấy giới thiệu về mô hình nuôi đà điểu đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Sỹ nhanh chóng bị lôi cuốn. Nhận thấy điều kiện gia đình mình phù hợp với việc nuôi loài chim khổng lồ này, anh bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật nuôi đà điểu trên sách, báo và anh đến Hợp tác xã Tây Sơn (xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) để tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Đến tháng 8/2016, anh Sỹ quyết định mở gia trại nuôi đà điểu. Trên diện tích vườn khoảng 3.000m2, anh sửa sang lại để làm chuồng và mua 100 con đà điểu của Hợp tác xã Tây Sơn Hà Tĩnh về nuôi với giá 2,8 triệu/con và được Hợp tác xã Tây Sơn bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Sau một thời gian nuôi, anh Sỹ nhận thấy, đà điểu là loại vật nuôi có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, có thể chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, chịu rét, chịu nắng tốt và đặc biệt là quy trình chăm sóc tương đối đơn giản. “Ngoài vốn đầu tư ban đầu khá lớn thì chi phí nuôi đà điểu không tốn kém như các loại vật nuôi khác bởi thức ăn chủ yếu của nó là rau, cỏ, ngô, khoai, sắn, thóc….” anh chia sẻ.
Anh còn cho biết thêm về kinh nghiệm nuôi đà điểu: “Trong quá trình nuôi, chúng thường húc nhau và làm què chân, nếu bị què thì không chữa được và bắt buộc phải loại bỏ, vì thế nên có không gian rộng cho đà điểu hoạt động”.
Vừa chăn nuôi, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, sau gần 9 tháng nuôi thử, gia trại nuôi đà điểu của gia đình Sỹ đã cho kết quả bước đầu. Đàn đà điểu giống trọng lượng từ 3 đến 4 kg/con khi bắt đầu nuôi bây giờ trung bình mỗi con đã đạt 90kg, có những con vượt đàn trên 1 tạ. Mặc dù trong tình hình khó khăn chung của ngành chăn nuôi cả nước, giá lợn, gà đều giảm mạnh nhưng lứa đà điểu đầu tiên của gia đình anh vẫn bán được giá và không lo đầu ra vì đã có Hợp tác xã Tây Sơn bao tiêu sản phẩm.
Trang trại nuôi đà điểu của anh Nguyễn Văn Sỹ ở xã Kỳ Hưng - Kỳ Anh
Tháng 4 vừa qua anh đã xuất một lứa với giá 75.000 đồng/kg. Theo tính toán, trừ chi phí, gia đình anh có thêm thu nhập 200 triệu đồng từ mô hình nuôi đà điểu này. Anh dự tính, sau khi xuất hết số đà điểu này, gia đình anh sẽ tiếp tục mua con giống về nuôi và mở rộng quy mô chuồng trại ra đồng rộng cho đà điểu có không gian rộng rãi để hoạt động và phát triển.
Mô hình nuôi đà điểu bước đầu đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ. Có thể coi đây là mô hình góp phần xóa đói giảm nghèo, hướng tới làm giàu cho những người dân nơi đây bởi đà điểu là đối tượng dễ nuôi, ít tốn chi phí chăm sóc, tỷ lệ rủi ro thấp. Tuy nhiên, để việc nuôi đà điểu phát triển lâu dài và bền vững, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành để giải quyết những khó khăn về con giống, vốn đầu tư và thị trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã