Gia đình chị Nguyễn Thị Lượng ở thôn Tân Thượng, Cương Gián, Nghi Xuân) làm nghề chế biến tôm nõn có tiếng nhất vùng với "thâm niên" hơn 20 năm nay. Chị Lượng chia sẻ: Nguyên liệu chế biến tôm nõn là loài tôm sắt được mua từ bà con ngư dân ngay sau khi khai thác về. Việc chế biến khá đơn giản, chủ yếu làm bằng thủ công. Trước tiên, tôm được rửa sạch và cho vào nồi luộc chín. Đây là công đoạn rất quan trọng bởi luộc kỹ quá tôm sẽ bị nát, luộc chưa chín tới thì rất khó bóc vỏ.
Sau đó, lại rửa sạch tôm bằng nước muối và tiến hành bóc vỏ. Công đoạn này có phần tốn nhiều công nhất vì vậy có khi cần tới 7- 10 lao động. Tôm bóc vỏ xong phơi qua cho ráo nước và phân loại to nhỏ trước khi đưa vào lò sấy hoặc bếp than trong vòng 5 tiếng đồng hồ.
10 kg tôm tươi sẽ chế biến được 1 kg tôm nõn khô. Sau khi làm xong, tôm nõn được chia làm 3 loại. Loại 1 có giá 700 - 900 nghìn đồng/kg; loại 2 từ 500 - 700 nghìn đồng; loại 3 dao động từ 350 – 400 nghìn đồng. Tôm nõn khô loại ngon có màu đỏ tươi, săn chắc và mùi vị thơm, dịu ngọt và có thể chế biến được nhiều món ăn ngon.
“Hàng năm, gia đình chị thu mua bình quân từ 4-5 tấn tôm tươi về chế biến. Đó là chưa kể thu mua tôm nuôi của các chủ đầm tôm trong vùng. Mỗi kg tôm tươi tôi mua với giá từ 20 - 30 nghìn đồng/kg về sấy khô để bán nên cũng mang lại thu nhập khá cao" - chị Lượng cho biết thêm.
Tôm nõn được sản xuất quanh năm nhưng chính vụ phải bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch khi nguồn tôm biển dồi dào. Nhờ nghề chế biến tôm nõn mà mỗi năm tiêu thụ cho bà con ngư dân 40 – 50 tấn tôm tươi. Về đầu ra hết sức thuận lợi vì ngay tại địa phương đã có đại lý thu mua tôm, cá, mực Hoa Linh Chi (thôn Đông Tây).
Chị Hoa - chủ cơ sở cho biết: Tôm nõn ở Cương Gián được rất nhiều người ưa chuộng do chất lượng, giá trị dinh dưỡng, mùi vị của sản phẩm. Mỗi năm, cơ sở của chị thu mua của người dân địa phương từ 2-3 tấn tôm nõn, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh phía Bắc.
Hiện toàn xã Cương Gián có hơn 60 hộ làm nghề, giải quyết việc làm, mang lại thu nhập khá cho hàng trăm lao động. Trước thực tế sản lượng chế biến và nhu cầu khách hàng ngày một tăng, các hộ sản xuất tôm nõn ở Cương Gián đang mở rộng thị trường để có thêm việc làm, tăng thu nhập.
Chủ tịch UBND xã Cương Gián Nguyễn Văn Thanh cho hay: Thời điểm này, người dân tập trung chế biến nhưng thường phải vào dịp tết Nguyên đán, tôm nõn mới được giá. Hiện tại, sản phẩm chỉ mới chủ yếu cung cấp cho thị trường trong tỉnh và một vài tỉnh khác. Do đó, về lâu dài, địa phương sẽ tăng cường chỉ đạo, đồng hành với người sản xuất để "đặc sản" này vươn tới được những thị trường xa hơn, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân...
Theo Hữu Trung/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã