Biển Thiên Cầm |
Hà Tĩnh có bờ biển dài 137 km, với 4 cửa lạch đổ ra biển: cửa Hội, cửa Sót, cửa Nhượng và cửa Khẩu, tổng diện tích các vùng biển là 18.400 km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. Toàn tỉnh có 30 xã thuộc 5 huyện tiếp giáp biển (Nghi xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh), 45 xã có tàu cá hoạt động trên biển.
Do chế độ thủy triều, độ sâu, địa mạo địa hình, đường đẳng sâu đáy biển, gió mùa Đông bắc... nên vùng biển Hà Tĩnh có đầy đủ phù du của Vịnh Bắc bộ và lượng phù sa của sông Hồng, sông Cả, sông Mã tạo ra nguồn thức ăn dồi dào cho các loài hải sản sinh sống. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu hải sản, biển Hà Tĩnh có trữ lượng 8-9 vạn tấn cá các loại, với 267 loài cá thuộc 97 họ, trong đó có nhiều loài cá có giá trị cao như: cá chim, cá hồng, cá thu, cá nhỡ... Ngoài ra, vùng biển tỉnh ta còn có khoảng 20 loài tôm, với trữ lượng từ 500 - 600 tấn; nhiều loài mực, nhuyễn thể có giá trị cao và nhiều loại sinh vật, thực vật nổi tạo môi trường và nguồn thức ăn phong phú cho các loài thủy sản sinh sản và phát triển. Vùng ven biển thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản với diện tích tiềm năng trên 20.000 ha, trong đó diện tích đất có khả năng nuôi tôm trên cát trên 4.000 ha.
Biển Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế và chiến lược QPAN; có cảng nước sâu Sơn Dương, Vũng Áng (Kỳ Anh), cảng Xuân Hải (Nghi Xuân) và nhiều bãi biển đẹp, nổi tiếng như Thiên Cầm, Xuân Thành, Thạch Hải... Vùng biển này còn có một trữ lượng sắt rất lớn (mỏ sắt Thạch Khê), tiềm năng dầu khí, sa khoáng, kim loại quý. Bên cạnh đó, với 4 cửa lạch, các cảng cá và các khu neo đậu tránh trú bão, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền đi lại, đánh bắt thủy sản.
Chợ cá Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên). Ảnh: Hương Thành |
Tiềm năng kinh tế thủy sản là lợi thế của vùng biển Hà Tĩnh. Những năm qua, với số lượng 3.780 tàu cá, tổng công suất 80.866 CV, tổng sản lượng hàng năm đạt 25.000-30.000 tấn, trị giá khoảng 600-750 tỷ đồng, GQVL cho trên 15.000 lao động trực tiếp trên tàu và hàng vạn lao động dịch vụ kèm theo, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế tỉnh nhà, nâng cao đời sống cho hàng vạn ngư dân. Tuy chưa ngang tầm với tiềm năng sẵn có, nhưng từ kết quả đạt được trong những năm qua là cơ sở, điều kiện để tỉnh nhà tiếp tục khai thác nguồn lợi từ biển hiệu quả hơn nữa trong những năm tới với lộ trình phát triển bền vững, đi đôi với việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển; đảm bảo nghề cá tỉnh nhà phát triển phù hợp với thời kỳ hội nhập.
Một điểm nhấn quan trọng bậc nhất, đó là Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng - một trong 5 KKT trọng điểm được Chính phủ lựa chọn tập trung đầu tư tại đề án “Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số KKT ven biển để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2015”. Đây được xác định là vùng kinh tế động lực, tập trung phát triển cụm ngành trọng điểm của Hà Tĩnh và khu vực trong định hướng phát triển không gian và lãnh thổ, với các cụm ngành trụ cột có ý nghĩa chiến lược của quốc gia như: khu liên hợp luyện cán thép công suất từ 15-20 triệu tấn; trung tâm nhiệt điện 6.300 MW thuộc Quy hoạch điện VII (Tổng sơ đồ điện VII quốc gia); trung tâm lọc hóa dầu công suất 16 triệu tấn; trung tâm thương mại và dịch vụ hậu cần gắn với tổ hợp cảng Vũng Áng - Sơn Dương…
Tàu hàng của đối tác được các tàu lai dắt cảng Vũng Áng- Việt Lào kèm vào cảng “ăn” hàng. Ảnh: HTO |
Qua 7 năm hình thành và phát triển, KKT Vũng Áng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH của Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050… Vũng Áng từng bước trở thành trung tâm công nghiệp lớn, là hạt nhân, động lực phát triển của khu vực và quốc gia. Từ đó phát triển các ngành công nghiệp thứ cấp, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nhẹ, các ngành du lịch, dịch vụ, tài chính, ngân hàng... dẫn đến sự hình thành các chuỗi đô thị, địa ốc dọc miền duyên hải. Vũng Áng trở thành KKT mạnh ven biển, hướng ra biển, phát huy tiềm năng lợi thế về biển, thu hút mạnh nguồn lực bên ngoài, kết hợp phát triển vùng ven biển với phát triển vùng nội địa theo hướng CNH, HĐH, góp phần hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của BCH T.Ư Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.
Với vị trí địa lý thuận lợi, Hà Tĩnh thực sự có tiềm năng phát triển du lịch mạnh mẽ. Vùng ven biển Hà Tĩnh có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh gắn với nhiều lễ hội dân gian của cư dân miền biển, cùng với nhiều bãi tắm được du khách chọn tìm về. Đặc biệt, với ưu điểm của các bãi biển Hà Tĩnh là bãi cát mịn, nước biển trong xanh, sóng hiền hòa; tài nguyên du lịch ở đây còn giữ được vẻ hoang sơ, môi trường trong lành, là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch: nghỉ mát tắm biển, thể thao trên cát, tham quan mạo hiểm, thể thao nước, sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan tìm hiểu, vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện. Trong đó, bãi biển Thiên Cầm được du khách đánh giá là một trong những bãi tắm đẹp và sạch nhất phía Bắc và được công nhận một trong 46 khu du lịch quốc gia được Chính phủ phê duyệt tổng thể lộ trình phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch biển ở Hà Tĩnh thực sự là một nguồn lợi vô cùng to lớn trong sự nghiệp phát triển KT-XH, QPAN đã và đang được Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà khai thác một cách hiệu quả. Chắc chắn rằng, trong tương lai gần, với chiến lược kinh tế biển hợp lý, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát triển một cách bền vững, giàu mạnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã