Sáng 2/11, thảo luận tại Hội trường về sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015, các đại biểu Quốc hội cho rằng, bước đầu nhiều chương trình đã có hiệu quả, góp phần giúp đất nước đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng khẳng định, đầu tư cho các chương trình này không nên dàn trải mà cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Đại biểu Âu Thị Mai, đoàn Tuyên Giang cho biết, qua giám tại địa phương, đoàn Quốc hội Tuyên Quang nhận thấy, sau 3 năm triển khai, nhiều chương trình đạt hiệu quả thấp; chất lượng, tính bền vững chưa cao do đầu tư dàn trải. Nhiều chương trình xây dựng mục tiêu, định hướng quá lớn trong khi nguồn vốn thấp; các địa phương không cân đối được ngân sách, huy động vốn hạn chế, nhất là miền núi do đó khó đạt chỉ tiêu, cụ thể như chương trình nước sạch, nông thôn mới, dạy nghề cho lao động nông thôn…
Đại biểu Danh Út, đoàn Kiên Giang thừa nhận, hầu như 16 chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2015 có thể không đạt chỉ tiêu như Nghị quyết Quốc hội đề ra. Do đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên danh mục các chương trình song thu gọn lại dự án; các mục tiêu không cần thiết thì cắt giảm, để dành kinh phí cho xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
“Nếu tập trung vào 2 chương trình này, những người sống ở nông thôn, miền núi, khó khăn sẽ được hưởng thụ, như thế cả con cá lẫn cần câu đến được người nghèo”, ông Danh Út khẳng định.
Để những chương trình này mang lại hiệu quả như Nghị quyết Quốc hội đề ra, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Chính phủ cần cân nhắc, trong điều kiện kinh tế đất nước hiện nay, nên ưu tiên cho những dự án trọng điểm, thiết thực tới đời sống người nghèo, vùng núi cũng như có đánh giá cụ thể hiệu quả của các chương trình.
Đại biểu Danh Út kiến nghị: Đối với một số chương trình sử dụng vốn sự nghiệp, đề nghị chuyển sang chi thường xuyên của các Bộ, ngành và địa phương. Chính phủ giao ngân sách cho địa phương chủ động phân bổ và quy hoạch nguồn lực. Chính phủ cũng cần ban hành quy chế quản lý điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia thay thế cơ chế cũ, với tinh thần giao kế hoạch hàng năm sang giao trung hạn; quy định rõ cơ chế xử lý nguồn vốn để địa phương lồng ghép với nguồn vốn địa phương, tập trung dứt điểm theo từng năm.
Theo đại biểu Bùi Thị An, đoàn Hà Nội cho biết, điều quan trọng là làm sao phải tránh thất thoát, lãng phí trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. “Người dân, các tổ chức chính trị xã hội phải được quyền giám sát. Tôi đề cao tính minh bạch, bởi không minh bạch thì sẽ không làm được gì cả” – bà Bùi Thị An khẳng định.
Về lâu dài, đại biểu Bùi Quang Vinh, đoàn Lai Châu, Bộ trưởng Kế hoạch - đầu tư cho biết, sau năm 2015, sẽ có tổng kết, đánh giá về các chương trình này. Theo đó, chương trình cho giai đoạn tiếp theo (2016 – 2020) sẽ thay đổi theo hướng lồng ghép 14 chương trình vào 2 chương trình xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, bởi đây là 2 chương trình xuyên suốt, trọng điểm và hầu như gắn với các chương trình khác.
Ông Bùi Quang Vinh cũng đề nghị thay đổi quy chế quản lý theo hướng giao quyền và trách nhiệm cao hơn cho địa phương./.
Lại Thìn
Nguồn vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã