Ông Hoàng Đình Yên, Cục phó Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: Không chỉ giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, các tàu tham gia tổ ngư dân đã khai thác đạt hiệu quả hơn, sản lượng khai thác tăng, có tàu tăng 1,2-1,5 lần so với khi chưa vào tổ do bám biển được dài ngày. Đồng thời, khắc phục những khó khăn mà nghề khai thác gặp phải trong thời gian qua như: giảm bớt chi phí chuyến đi, hỗ trợ nhau được trong khai thác, hậu cần nghề cá… Cả nước hiện có hơn 14.500 tàu cá có khả năng hoạt động khai thác hải sản ở vùng khơi và vùng biển xa, đặc biệt có gần 2.300 chiếc tàu công suất 90 mã lực (CV) trở lên của các tỉnh miền Trung làm nghề câu cá ngừ đại dương tại các vùng biển, thời gian hoạt động từ 25-30 ngày/chuyến. Ngoài ra, còn có đội tàu dịch vụ thu gom, bảo quản, vận chuyển trên biển, chủ yếu là loại tàu từ 90 CV trở lên. Các tàu dịch vụ thu mua, chế biến, cấp đông sản phẩm trên vùng khơi, hỗ trợ cho các tàu khai thác trên vùng biển, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối với các tàu khai thác thủy sản. Tuy nhiên, ngư dân chưa liên kết được với nhau để ký hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho các nhà máy chế biến thủy sản tránh bị chủ nậu ép giá. Chủ tàu còn thiếu vốn để mua sắm máy thông tin liên lạc, các trang thiết bị khai thác, hầm bảo quản sản phẩm trên tàu... Theo ông Yên, kinh nghiệm trong phát triển mô hình tổ đội sản xuất trên biển thời gian qua cho thấy, để duy trì một cách thường xuyên và hiệu quả thì vai trò của các “hạt nhân” như tổ trưởng, chủ tàu hết sức quan trọng, là cơ sở góp phần làm cho mô hình tổ hợp tác thành công. Do đó, thời gian tới, nhà nước cần hỗ trợ cho các đối tượng này. Từ thực tế triển khai một số chính sách đối với ngư dân đã được ban hành như Nghị quyết 48/NĐ-CP, Quyết định 375/QĐ-TTg, Bộ NN&PTNT hiện đang đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân như hỗ trợ thành lập mới tổ hợp tác, hỗ trợ bảo hiểm, hỗ trợ máy thông tin và hỗ trợ tai nạn biển đối với các tàu khai thác và dịch vụ khai thác hải sản theo mô hình tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển. Cụ thể, Tổng cục Thủy sản chuẩn bị trình Chính phủ các chính sách liên quan đến hỗ trợ trách nhiệm của tổ trưởng tổ hợp tác với mức 200.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên, trong đó nhà nước hỗ trợ một năm/một lần/tàu với 50% kinh phí và hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên; đồng thời hỗ trợ 100% kinh phí mua (hoặc hỗ trợ bằng máy) 01 máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS)… nhằm giảm thiểu một phần thiệt hại trong trường hợp ngư dân gặp rủi ro trên biển ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng. Bên cạnh đó, để giải quyết những vướng mắc về nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho các hoạt động khai thác biển của ngư dân, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, tới đây các ngân hàng phải điều chỉnh chính sách hoặc có cơ chế đặc thù để ngư dân dễ tiếp cận được nguồn vốn vay hơn nữa, tránh tình trạng ngư dân muốn ra biển phải vay lãi suất cao của các chủ nậu, vựa rồi sau đó bị ép giá thu mua hải sản./. Lâm Phong |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã