Chăm lo đời sống Nhân dân - mục tiêu xuyên suốt trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã được huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) nỗ lực thực hiện. Cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.
Tạo sinh kế cho người nghèo
Đến thời điểm hiện tại, cơ sở làm nấm rơm của chị Nguyễn Thị Sen ở thôn Thanh Hợp, xã Thanh Lộc đã mang về nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Từ việc tập huấn, chuyển đổi nghề, chị Sen đã có cuộc sống ngày càng khá giả nhờ trồng nấm
Chị Sen cho biết: “Từ lớp học làm nấm rơm do Hội LHPN huyện tổ chức, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi nghề với hy vọng nâng cao chất lượng cuộc sống. Những ngày đầy khó khăn ấy, sự hỗ trợ của tổ chức hội không chỉ là nguồn động viên tinh thần mà còn hiện hữu bằng nguồn vốn ưu đãi và sự chung tay của chị em. Học hỏi thêm kinh nghiệm, tìm kiếm đầu ra, cuối cùng tôi đã đi đến thành công”.
Phương châm “cho cần câu hơn xâu cá” đã được MTTQ, khối đoàn thể và các cấp ủy, chính quyền địa phương ở Can Lộc vận dụng nhuần nhuyễn trong công tác xóa đói giảm nghèo. Tạo sinh kế cho người dân bằng các hoạt động cho vay vốn, tập huấn kiến thức, chuyển đổi nghề, hỗ trợ ngày công, cây - con giống, giúp hộ nghèo có địa chỉ... đã trở thành hành động thường xuyên của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội.
Hỗ trợ ngày công, con giống cho hội viên nghèo cũng là việc làm thường xuyên của các cấp hội trên địa bàn Can Lộc.
Mỗi một địa phương, mỗi một tổ chức hội có những sáng kiến, phương pháp khác nhau nhưng tất cả đều có chung một mục đích là nâng cao thu nhập bền vững cho người dân. Nhờ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 7,22% (2.848 hộ) năm 2016 xuống còn 3,5% (1.326 hộ) năm 2020.
Huy động nguồn lực xây nhà tình nghĩa
Với sự chung tay góp sức của các tập thể, cá nhân trên mọi miền Tổ quốc và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, 5 năm qua (2015-2020), huyện Can Lộc đã thành công trong việc thực hiện mục tiêu làm nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách.
Từ sự kết nối của lãnh đạo huyện, sự đồng hành của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, cấp ủy chính quyền, nhiệm kỳ qua, Can Lộc đã xây dựng được 1.122 căn nhà tình nghĩa
Bà Bùi Thị Kiều Nhi - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: “Có thể khẳng định hoạt động làm nhà tình nghĩa ở Can Lộc trong nhiệm kỳ qua đã trở thành một cuộc vận động có sức lan tỏa mạnh mẽ. 1.122 căn nhà tình nghĩa được xây dựng mới cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng trị giá trên 60 tỷ đồng là con số ấn tượng khẳng định nỗ lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đến nay, Can Lộc hoàn thành cơ bản việc làm nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách”.
Nguồn lực cho chương trình an sinh đã được lãnh đạo huyện kiên trì huy động bằng việc tiếp cận các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân qua những chuyến công tác, qua kênh thông tin của con em Can Lộc trên mọi miền đất nước.
Cùng với đó, phong trào tiết kiệm đóng góp ngày lương của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị, khối mặt trận và sự chung tay vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương… đã biến giấc mơ suốt một đời lam lũ của các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trở thành hiện thực.
Bà Phan Thị Nuôi - gia đình chính sách ở tổ dân phố Nam Mỹ (thị trấn Đồng Lộc) yên tâm trong ngôi nhà mới.
Trong căn nhà mới khang trang, trị giá 175 triệu đồng (trong đó nguồn hỗ trợ của cấp trên 50 triệu đồng), bà Phan Thị Nuôi - gia đình chính sách ở tổ dân phố Nam Mỹ (thị trấn Đồng Lộc) như ngày càng khỏe ra, tinh thần luôn phấn khởi.
Bà cho biết: “Yên tâm nhất là từ ngày có ngôi nhà mới, nơi thờ tự ông bà tổ tiên, liệt sỹ và Mẹ Việt Nam anh hùng của gia đình tôi đã đàng hoàng hơn, ấm cúng hơn. Bao năm nay, nhìn ngôi nhà xuống cấp nhưng “lực bất tòng tâm” khiến tôi không một phút yên lòng. Nhờ sự quan tâm của các cấp, cuối cùng tâm nguyện của tôi đã thành hiện thực”.
Truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách đã trở thành mạch nguồn xuyên suốt trong tư tưởng, suy nghĩ và lối sống của người dân trên vùng quê cách mạng. Truyền thống ấy được khơi dậy, phát huy, tạo thành phong trào thi đua để Can Lộc thực hiện thường xuyên, có hiệu quả các hoạt động xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, góp phần giúp người dân nghèo, gia đình chính sách có cuộc sống đàng hoàng, no ấm hơn.
Theo Anh Thư - Phong Linh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã