Làm giàu trên cánh đồng mẫu lớn
Là đơn vị tiên phong trong công tác chuyển đổi ruộng đất lần 2, Đức Thọ đã xây dựng những cánh đồng ô thửa lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân xây dựng cánh đồng mẫu, áp dụng tiến bộ KHKT, cơ giới hóa vào nông nghiệp. Anh Nguyễn Thành Trung (thôn Tân An - xã Đức Tùng) đầu tư máy gặt đập liên hợp của Nhật Bản, mỗi giờ gặt 8-9 sào, mỗi sào 250 ngàn đồng. Anh Trung cho biết: “Vụ lúa vừa qua, trừ chi phí, tôi thu về 50 triệu đồng, ước tính khoảng 4 mùa gặt là đủ tiền vốn bỏ ra”.
Máy siêu gặt của anh Nguyễn Thành Trung phát huy hiệu quả trên cánh đồng mẫu huyện Đức Thọ |
Việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn và phát triển kinh tế trang trại là những hướng đi trọng tâm trong đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Đức Thọ trích ngân sách trên 20 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM, đặc biệt, kinh phí hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất trên 4 tỷ đồng, xây dựng gần 460 mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Hiện chúng tôi có 15 trang trại chăn nuôi lợn quy mô trên 500 con, 4 trang trại chăn nuôi gà công nghiệp quy mô 5.000 -10.000 con. Toàn huyện có 38 cánh đồng mẫu trên 1.000 ha sản xuất lúa chất lượng cao, nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh, rau màu, phát triển kinh tế tổng hợp có hiệu quả”.
Để hỗ trợ nông nghiệp phát triển, huyện Đức Thọ chú trọng đào tạo nghề, thành lập nhiều tổ hợp dịch vụ, doanh nghiệp, HTX tín dụng, HTX chế biến nông sản, tổ hợp thu mua lúa gạo, bao tiêu sản phẩm, tạo việc làm cho nông dân. Tiêu biểu như: HTX Tín dụng xã Trung Lễ, HTX Thương mại chế biến nông sản xã Đức Lâm, Tổ hợp tác chế biến gỗ Tùng Ảnh, Tổ hợp tác thu mua lúa gạo Đức Thanh. Kết quả phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng liên kết bước đầu đã được khẳng định.
Sản xuất phát triển, đời sống của nông dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,66% năm 2010 còn 8,6% vào cuối năm 2013. Thu nhập bình quân đầu người từ 13,4 triệu đồng (năm 2010) tăng lên 22,7 triệu đồng (năm 2013).
Khơi dậy các nguồn lực
Bên cạnh nhiệm vụ xuyên suốt là phát triển sản xuất, Đức Thọ còn quan tâm tới xây dựng hạ tầng và huy động hợp lý sức dân cho các công trình. Trong phong trào xây dựng NTM, có 3.645 hộ hiến tặng 323.382 m2 đất, trị giá gần 20 tỷ đồng. Tiêu biểu như các gia đình: anh Nguyễn Hữu Niệm (Thái Yên) hiến tặng đất và công trình trị giá trên 250 triệu đồng; anh Dương Văn Vị, Võ Bá Thiện (Tùng Ảnh) hiến tặng đất trị giá gần 200 triệu đồng...
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Đảng bộ và nhân dân Đức Thọ đã huy động 813 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn hỗ trợ từ T.Ư, tỉnh, huyện và lồng ghép từ các chương trình, dự án là 665 tỷ đồng, con em xa quê và doanh nghiệp 87 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 61 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2015, toàn huyện có 25% xã đạt 19 tiêu chí NTM, các xã còn lại trung bình đạt 13 tiêu chí. |
Huyện cũng huy động được sự tham gia tình nguyện của mọi tầng lớp, tạo tinh thần đoàn kết cao trong quá trình xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở. Tiêu biểu trong phong trào này là sự tích cực, nêu gương của Linh mục Nguyễn Thái Từ - Quản xứ Nghĩa Yên. Ông đã đến từng hộ, vận động bà con giáo dân thôn Tân Định hiến đất, hiến cây để mở rộng đường xây dựng NTM. Khi chúng tôi đến công trường, Linh mục Nguyễn Thái Từ đầu đội mũ lá, tay cầm thước dây đang trực tiếp kiểm tra từng đoạn đường. Cách làm của Đức Thọ là tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt, từ đó, người dân phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM.
Ông Võ Công Hàm - Bí thư Huyện ủy chia sẻ thêm kinh nghiệm xây dựng NTM ở Đức Thọ, đó là nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, mặt trận các đoàn thể vào cuộc quyết liệt, thông qua tổ chức này gắn kết với khu dân cư, dòng họ, phát hiện cá nhân gương mẫu, điển hình; vận động doanh nghiệp, con em xa quê và nhân dân, xây dựng phương án tổ chức thực hiện các công trình phúc lợi; tổ chức hội nghị biểu dương tập thể, cá nhân điển hình tiên phong trong phong trào hiến đất, hiến công, góp tiền xây dựng NTM; thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ từ huyện về cơ sở, bổ sung, thay thế một số vị trí chủ chốt để đáp ứng nhiệm vụ. Hơn 2 năm, huyện đã luân chuyển 8 vị trí bí thư, chủ tịch UBND xã từ huyện về cơ sở và cách làm này đã mang lại kết quả rõ nét từ những chuyển biến trong các phong trào, hoạt động ở các địa phương.
BẮC HẠNH – SỸ ĐÔNG
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã