Sông - núi nơi đây đã làm nên một Hương Sơn đẹp như một bức tranh và là nơi che chở cho các nghĩa quân trong các cuộc trường chinh chống giặc giữ nước .
Đỉnh núi Bà Mụ
Không biết từ bao giờ người dân Hương Sơn đã chọn cho mình một ngọn núi cao nhất để đặt tên là núi Bà Mụ. Ngọn núi này nằm trong dải Trường Sơn Bắc chạy dọc với biên giới Việt - Lào có độ cao 1367m. Bà Mụ theo truyền thuyết là người chuyên phụ trách việc sinh nở và nặn ra đứa trẻ, thường xuyên cứu rỗi cho trẻ thơ luôn “tai qua nạn khỏi”.
Cùng với núi Bà Mụ là động Giăng Màn cao 931m, rú Bành 646m ở Sơn Kim 2. Càng xuôi về phía Đông thì núi càng thấp. Ngọn cao nhất ở Sơn Tây cũng chỉ ngoài 400m.
Xuất phát từ dãy núi Trường Sơn, tận biên giới Việt - Lào là con Sông Ngàn Phố có độ dài 72 km chảy xuống đến ngã ba Tam Soa, chia cắt huyện thành hai phần tả - hữu đều nhau, uốn khúc luồn lách qua nhiều núi đồi thung lũng. Lòng sông nhỏ có độ dốc rất lớn với nhiều thác ghềnh, nhiều khe suối như: Nước sốt, Rào Mắc, Rào Bồng, Rào Qua và sông Con (chảy từ xã Sơn Hồng đổ ra Ngàn Phố). Xuống tân núi Nầm có một vực rất sâu mà dân gian truyền tụng với nhau ở đây dưới đáy là cung điện Thủy Tề. Họ truyền miệng với nhau nếu bỏ một vật gì đó ở vực Nầm (xã Sơn Bằng) thì vật đó sẽ nổi lên tại vực Ác (xã Sơn Long).
Núi Nầm- Song Phố
Hai bên bờ sông Ngàn Phố có nhiều bến nước, bến đò cho khách qua sông. Ở phía hạ huyện từ Hà Tân trở xuống có hệ thống các hồ, đập, bàu, hói dày đặc là nguồn dự trữ nước tưới tiêu cho ruộng đồng. Cạnh cầu Nầm, bắc qua cửa hói Nầm (xã Sơn Bằng) có đoạn hói Chùa. Hói này là một nhánh của khe Hoa, chảy vòng phía Nam sang phía Đông vùng Tiên Hoa qua các làng Trị Yên, Tiên Bì (xã Sơn Thủy cũ), rồi đổ ra sông Ngàn Phố cuối xã Sơn Bằng. Phía đông, nơi tiếp giáp giữa các xã Sơn Châu, Sơn Hà (cũ) bây giờ là cửa hói thường gọi là Cửa Khâu đổ ra sông Ngàn Phố. Phía trong, giữa các xã Sơn Hà (cũ), Sơn Bình và Sơn Trà có bàu Hàn, bàu Thai, một phía nối với hói Vàng (xã Sơn Long) đổ ra sông Ngàn Sâu.
Cầu qua hói Nầm
Dòng sông Ngàn Phố quanh năm lặng lẽ, hiền hòa chuyển tải một nguồn nước lớn ra biển cả, đưa phù sa tưới tắm bao đồng quê, nhưng khi bị chọc giận thì con sông này cũng hết sức hung dữ. Trong lịch sử, trên con sông này đã diễn ra những cơn đại hồng thủy, điển hình như đợt lũ năm 1960. Đặc biệt là cơn sóng dữ năm 2002 đã làm cho mảnh đất Hương Sơn phải quặn đau… Nhưng dòng sông này cũng đã viết nên những trang sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh do Lê Lợi lãnh đạo. Khi nghĩa quân Lam Sơn tìm đến đất Đỗ Gia xây dựng căn cứ chống giặc ngoại xâm, vào năm Ất Tỵ (1425), tướng nhà Minh là Lý An đã đưa thủy quân từ thành Đông Quan vào cứu đội quân của Trần Trí đang bị bao vây trong thành Nghệ An. Có được viện binh, Trần Trí quyết định đánh lên Đỗ Gia, tiêu diệt bộ phận đầu não của nghĩa quân. Bộ chỉ huy Lam Sơn đã nhanh chóng cho quân sỹ “Đào cửa sông, phục quân trên bờ, đợi quân giặc đến để đánh” tại khúc sông ở Cửa Khâu và cửa Hói Nầm. Trận đánh xẩy ra vào ngày 17 tháng tư (tức 14 -5 -1425 AL). Thuyền giặc tiến từ sông La vào sông Ngàn Phố lên núi Nầm không gặp một sự phản kháng nào . Chờ cho giặc lọt vào trận địa phục kích, nghĩa quân ồ oạt xông ra tấn công như vũ bão. Sử sách còn chép lại: “Ngày 17, bọn Trí đem quân ra đánh trại Lê Thiệt. Quân của Trí đang ở giữa dòng sông bị nghĩa quân phục ồ oạt xông ra đánh cho tan tác, chém chết hơn nghìn tên, số chết đuối nhiều vô kể”. Giặc tháo chạy hỗn loạn, đến cửa sông Phố (ở ngã ba Tam Soa) lại bị nghĩa quân do tướng Đinh Lễ chỉ huy đổ ra đánh giết. Chứng tích còn lại của trận phục kích thứ hai này là ở gò đất mà dân địa phương gọi “Cồn tổng binh” nay còn có đền Trúc trên đồng Xa Lang ( thuộc xã Sơn Tân cũ ). Tương truyền đây là mồ chôn giặc Minh.
Một đoạn sông Ngàn phố chảy qua thị trấn Phố Châu
Đứng từ trên núi Bà Mụ nhìn về phía Đông, phía bên phải sông Ngàn Phố là dãy Đại Hàm chạy dài trên địa bàn của Hương Sơn - Vũ Quang; dãy núi Mồng gà (Kê quan) ở địa phận các xã Sơn Bình, Sơn Trà, Sơn Long. Tại các địa bàn này, vào thế kỷ XV Bộ chỉ huy Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã chọn nơi đây để đóng quân cùng với Nguyễn Tuấn Thiện lãnh đạo cuộc kháng chiến đến ngày thắng lợi. Dấu tích sử sách còn để lại ở núi Sinh cờ - Vi Kỳ (thuộc xã Sơn Châu) một ngọn núi nằm ở phía đông bắc dãy Mồng Gà (Kê Quan Sơn) bên mé sông Ngàn phố, phía nam liền với núi Vằng hay núi Vàng (Kim Sơn). Núi Sinh Cờ có ngọn rú Am, rú Đá, (Rú Đá ở mé sông, sau bị sụp lở nên gọi là rú Trụn). Trên đỉnh có khối đá đầu voi, tương truyền là nơi quân của Lê lợi dựng cờ khởi nghĩa (do đó có tên Tinh Kỳ), mái núi có hang Khái và chân núi có hang lớn, sau khi núi sụt lở đã bị bồi lấp. Hang này là nơi chứa lương thực, thực phẩm do nhân dân đưa lên giúp nghĩa quân đánh giặc. Ở mé sông có ngọn đồi nhỏ gọi rú Cụp (Cập Sơn) và bên kia dốc Cửa Háp còn có rú Nen, rú khe Chải. Giữa ngọn núi này, xưa là con đường mòn độc đạo qua dốc Nầm, từ đầu thế kỷ XX là đường thuộc địa số 8 (nay là QL 8A) bắt đầu từ Hồng Lĩnh đi sang Lào. Phía Đông núi Vàng có núi Lều, tương truyền là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng lều trại, có Bãi Trạm, khe Trẹc Nác đổ ra sông Ngàn phố. Xa hơn về phía Tây - Nam có nhiều dãy đồi núi thấp dưới dãy Mồng Gà gọi là “Đảng Phủ” (nay thuộc địa phận xã Sơn Phúc cũ).
Dãy Đại Hàm là nơi che chở nhiều cuộc khởi nghĩa quan trọng chống giặc ngoại xâm của vùng đất Hương Sơn. Đầu thế kỷ XIX, cuộc khởi nghĩa Lê Hầu Tạo (1818- 1821) chống triều Nguyễn đã dùng đất Hương Sơn làm căn cứ địa. Nghĩa quân Hầu Tạo dùng rừng núi Đại Hàm làm đại bản doanh để tổ chức kháng chiến. Trong cuộc khởi nghĩa của Đội Lựu (Trần Quang Cán) năm 1847 đã dựng cờ khởi nghĩa tại núi Đại Hàm để chống lại triều đình và thực dân Pháp, gọi là cuộc khởi nghĩa của Đội Lựu (đội quân cờ vàng). Trong cuộc kháng chiến của Phan Đình Phùng (1885 - 1896) cùng với Hương Khê, cụ Phan Đình Phùng và Cao Thắng cũng đã chọn vùng rừng núi Hương Sơn làm chiến khu kháng chiến.
Dãy Thiên Nhẫn nhìn từ xa
Phía bên trái sông Ngàn phố là dãy Thiên Nhẫn như một tường thành án ngự phía Đông Bắc của huyện. Tại khu vực này có lối vào huyện Hương Sơn qua truông Mèn và truông Trảy. Tại đây, nghĩa quân Lam Sơn đã đóng đồn tại núi Rộc (Độc Sơn) ở xã Sơn Tiến, dấu tích hiện nay còn di tích ba lớp hào lũy trên núi, ở thôn Bạch Sơn xã Sơn Tiến còn có chùa Côn Sơn. Xa hơn là thành Lục Niên trên sườn đông bắc ngọn Hoàng Tâm nằm trong dãy Thiên Nhẫn, nay là xã Nam Kim (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ở vùng Kẻ Sét (Ninh Xá, xã Sơn Ninh) vào thế kỷ XVIII, Lê Duy Mật đã lãnh đạo khởi nghĩa chống Trịnh (1738 – 1769) dấu tích còn có con đường Thượng Đạo xưa là một khu đồn trại giữa vùng núi thấp. Các núi: Cồn Dài, Bạch tượng phía Tây, núi Đồn, núi Cốt phía Nam, núi Tháp, núi Bút phía Đông Bắc, núi Chuối (Tiên Sơn) phía Bắc. Nghĩa quân tận dụng địa hình đồi núi, đắp thêm những đoạn lũy tạo thành một khu doanh trại phòng ngự khá lớn. Hiện còn dấu vết nhiều đoạn lũy ở núi Cốt, núi Đồn, núi Chuối, cánh đồng Chài.v.v…
Sông - Núi Hương Sơn là thế. Con người Hương Sơn từ bao đời nay sinh sống trên mảnh đất này luôn tự hào và đã viết nên những trang sử hào hùng, xứng đáng với mảnh đất địa linh nhân kiệt./.
Lê Nhật Tân
http://huongson.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã