Vụ xuân năm nay, gia đình bà Trần Thị Mai ở thôn phú Minh, xã Kỳ Phú gieo cấy trên 7 sào lúa với các loại giống như: PC6, Xuân Mai 12, BTO9. Nhờ làm đúng lịch thời vụ và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên diện tích lúa của gia đình phát triển tốt và đang chuẩn bị trổ đúng khung lịch của huyện.
Bà Trần Thị Mai thường xuyên thăm đồng, rẽ từng khóm lúa để sớm phát hiện sâu bệnh
Tuy nhiên, bà Mai rất lo là ít có vụ sản xuất nào như năm nay, cây lúa phải chịu tác động gây rủi ro từ nhiều phía. Kể từ khi xuống giống, gần như không có đợt rét nào đáng kể để kìm hãm bớt tốc độ phát triển không có lợi cho lúa. Đến thời kỳ lúa trổ, trời thường xuyên âm u, nhiều loại sâu bệnh nguy hiểm đồng loạt đe dọa và trực tiếp gây hại như: sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh đốm nâu và đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông.
Sau khi cơ bản trừ được nạn sâu cuốn lá, nhiều diện tích lúa ở Kỳ Phú đang đối mặt với bệnh đốm nâu, rầy nâu và đạo ôn...
“Từ khi thấy xuất hiện bệnh đến nay, tôi đã mua hàng trăm nghìn đồng tiền thuốc để phun phòng sâu cuốn lá, rầy nâu và đi thăm đồng hàng ngày, khi thấy nhiều vết đạo ôn lá là phải mua thuốc đặc hiệu về phun trừ ngay để tránh đạo ôn cổ bông” - bà Trần Thị Mai cho biết.
Nhờ quán triệt xuống giống đảm bảo lịch thời vụ và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, lúa vụ xuân ở Kỳ Phú sẽ trổ đúng khung lịch của huyện
Xã Kỳ Bắc có 288 ha lúa đã trổ, đang đứng trước rủi ro bởi nguy cơ của các loại sâu bệnh và điều kiện thời tiết không thuận lợi. Gần 100% diện tích bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại được xử lý. Tuy nhiên, trên địa bàn đã xuất hiện bệnh đạo ôn lá với diện tích nhiễm khoảng 10%. Không chỉ vậy, toàn xã có 11ha lúa đang làm hạt bị đổ hơn 70%, 7ha bị đổ 30 - 40% do đợt mưa to, gió lớn vừa qua.
Theo ông Lê Quang Hanh - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Bắc, xã đã kêu gọi người dân tăng cường bám đồng theo dõi và phòng trừ kịp thời, không để sâu bệnh bùng phát thành dịch. Đối với các diện tích lúa bị đổ, tiến hành rà soát, đo đếm để xác định thiệt hại và có các giải pháp giải quyết.
Lúa ở Kỳ Bắc trổ đều nhưng đang gặp một số bất lợi về sâu bệnh
Đến thời điểm này, huyện Kỳ Anh đã có khoảng 3.500/5.522ha lúa vụ xuân đã trổ; dự kiến trổ tập trung trong khoảng thời gian 15 - 20/4/2020. Bệnh đạo ôn trên lá, cổ bông và bệnh khô vằn gây hại tập trung mạnh tại các xã: Kỳ Giang, Kỳ Phú, Kỳ Tiến.
Mặc dù người dân đã tiến hành phun phòng trừ 2 đợt với gần 1.000ha nhưng nguy cơ bùng phát dịch, đặc biệt là dịch đạo ôn cổ bông ngay trong giai đoạn lúa trổ vẫn rất cao.
Một rủi ro làm Kỳ Anh bị thiệt hại riêng với con số không nhỏ là đợt mưa to kèm gió mạnh cấp 6 - 7 ngày 12/4/2020 đã làm gần 500ha lúa đổ; nhiều nhất là ở xã Kỳ Xuân với gần 80ha.
Trận mưa ngày 12/4 kèm gió lớn đã làm trên 80 ha lúa trong kỳ trổ bông của xã Kỳ Xuân bị đổ ngã.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh Lê Văn Trọng cho biết: “Cùng với tập trung cao cho công tác phòng chống dịch Covid-19, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, rà soát kỹ tình hình sinh trưởng, tiến độ trổ của các trà lúa, đặc biệt chú ý các giống nhiễm bệnh để phân loại, xác định những diện tích cần tập trung chỉ đạo phun phòng nhằm đảm bảo không bỏ sót diện tích vừa tránh tình trạng phun tràn lan gây lãng phí, ô nhiễm môi trường. Tại các vùng có diện tích lúa đổ, nông dân đang cố gắng dựng, buộc từng khóm để cây lúa có thể phục hồi, hạn chế thiệt hại”.
Theo Vũ Huyền/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã