Những lồng cá diêu Hồng, những lồng cá Chép và cá Trắm cỏ đang sinh trưởng phát triển tốt hay những lồng cá Leo, cá Trê đang chuẩn bị cho thu hoạch. Đây là những loại cá mà ông Lê Đình Đức ở xã Kỳ Xuân đã gắn bó nuôi trồng hơn 3 năm nay. Là những hộ dân sống ven biển nên khi sự cố môi trường biển xảy ra vào năm 2016 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống. Nhận thấy khu vực hồ Khe Còi tại xã nhà có tiềm năng nuôi cá lồng nên ông đã cùng một số hộ dân địa phương thành lập Tổ hợp tác (THT), mạnh dạn đầu tư 6 lồng nuôi thử nghiệm cá diêu hồng. Sau hơn 3 năm THT đã gây dựng được một khu nuôi cá lồng với quy mô là 20 lồng, thu về lợi nhuận mỗi năm hơn 1,2 tỷ đồng.
Không những tự mình lập nghiệp, ông Đức đã hợp các thành viên có cùng chí hướng để cùng góp vốn làm ăn. Đây là lứa cá Diêu Hồng thứ 5 đang được các thành viên Tổ hợp tác chăm sóc nuôi dưỡng. Tận dụng nguồn nước mặt sông và cho ăn dặm các thức ăn công nghiệp vừa đủ nên cá ở đây đều sinh trưởng phát triển tốt. Cũng theo tính toán thì việc chọn nuôi nhiều loại cá ở đây là tùy thuộc vào yếu tố thị trường. Bởi chỉ nuôi một loại cá thì việc cung cấp cho thị trường sẽ không được đa dạng, đồng thời khả năng gối đầu giữa các lần thu hoạch sẽ không có. Do đó, các thành viên Tổ hợp tác đã chọn 5 loại cá để cùng nuôi xen kẽ trong các lồng, từ đó đảm bảo luôn có đủ nguồn cung ra thị trường. Hiện với 20 lồng nuôi, đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 thành viên của THT. Mỗi lồng nuôi có năng suất bình quân từ 2-3 tấn và luôn được đảm bảo an toàn về vệ sinh thực phẩm do nuôi trong môi trường nước lưu thông thường xuyên. Theo tính toán lợi nhuận thu về đạt 60 triệu đồng mỗi lồng một vụ.
Mô hình nuôi cá lồng của ông Lê Đình Đức ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh
Trên địa bàn huyện Kỳ Anh hiện có hàng trăm lồng cá nuôi, tập trung ở vùng hồ đập thuộc các xã Kỳ Xuân, Kỳ Phong, Kỳ Ninh, Kỳ Bắc. Từ một công trình thủy lợi, hồ Ba Khe ở thôn Lạc Tiến (xã Kỳ Bắc) trở thành vùng mặt nước tiềm năng với nhiều mô hình kinh tế triển vọng. Cụ thể cách đây gần 2 năm, ông Hoàng Văn Quang cùng với 9 hộ dân trong xã Kỳ Bắc được giao nhận thầu và thả nuôi cá nước ngọt theo hình thức nuôi lồng bè trên lòng hồ. Sau khi đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống lồng bè với 20 chiếc đảm bảo tiêu chuẩn, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Quang Minh do ông Quang làm Giám đốc bắt đầu thả nuôi lứa đầu tiên với các loại cá chất lượng cao như: cá Diêu Hồng, cá Lóc, cá Leo, cá Lăng, cá Chình…Nhờ môi trường nước trong lành và biết áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến nên các loại cá đều sinh trưởng rất nhanh và đồng đều. Hiện các hộ dân tiếp tục đầu tư làm thêm 6 lồng bè mới và thả nuôi lứa cá thứ hai, dự kiến sẽ cho năng suất và sản lượng cao hơn nhiều so với lứa nuôi đầu tiên. Cùng với nuôi trong lồng bè, ông Quang cùng các thành viên trong THT Nuôi trồng thủy sản còn thả hàng vạn con cá các loại như: cá Rô phi, cá Mè, cá Trắm bên ngoài tự nhiên. Cách làm này mang đến nhiều lợi ích. Đó là vừa tận dụng được nguồn thức ăn dư thừa của cá trong lồng, từ đó tăng sản lượng, tăng nguồn thu, đồng thời vừa sử dụng các loại cá này để làm thức ăn cho các loại cá nuôi trong lồng.
Cá nuôi trong lồng có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, có thể nuôi được mật độ cao, thức ăn sẵn có, nuôi được nhiều chủng loại cá, nhất là những loại cá đặc sản, góp phần giảm chi phí nuôi trồng, từ đó tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, môi trường ít bị ô nhiễm, lượng ô-xy trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông cũng là những điều kiện thuận lợi để cá lồng sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng ưa thích. Trong điều kiện nuôi cá trong lồng bè, công tác chăm sóc, quản lý tốt hơn nên tỷ lệ sống cao hơn, tốc độ tăng trưởng lớn nhanh hơn, chất lượng thịt cá nuôi lồng bè thơm ngon, săn chắc, giá bán cao hơn nuôi trong ao hoặc bể từ 1,2 - 1,5 lần.
Với tiềm năng mặt nước dồi dào, kỹ thuật nuôi không quá phức tạp, phong trào nuôi cá lồng bè đang phát triển mạnh trên các địa bàn có sông suối hồ đập. Nhiều hộ nông dân đã thực sự có thu nhập cao và làm giàu từ nuôi cá lồng bè. Tuy nhiên, nuôi cá lồng bè đòi hỏi đầu tư lớn, những rủi ro từ thiên tai dịch bệnh cũng không phải là ít, do đó, người nuôi cá lồng rất cần đến sự đồng hành hỗ trợ của các cấp các ngành, nhất là những cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất và sự tư vấn chuyên môn thường xuyên về kỹ thuật nuôi an toàn./.
Nguyễn Hoàn/http://sonongnghiep.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã