Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã xây dựng mới được 454 mô hình sản xuất kinh doanh các loại, trong đó có 99 mô hình lớn, 104 mô hình vừa và 251 mô hình nhỏ. Bình quân một xã có 35 mô hình, các xã thành lập được nhiều mô hình như: Hộ Độ 92, Thạch Bằng 54, Thạch Kim 43, Mai Phụ 40... Các hình thức tổ chức sản xuất cũng phát triển nhanh và toàn diện, toàn huyện thành lập mới được 211 doanh nghiệp, HTX, THT, bao gồm 60 HTX, 79 THT và 72 doanh nghiệp, lũy kế toàn huyện hiện có 74 HTX, 79 THT và 112 doanh nghiệp... HTX thu mua nông sản xã Bình Lộc Nếu như trước đây việc nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn huyện còn mang tính nhỏ lẽ, manh mún và có giá trị kinh tế thấp thì những năm trở lại đây nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mới các mô hình quy mô lớn, sản xuất theo hướng thâm canh, cho thu nhập hàng chục tỷ đồng trên năm. Điển hình như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Nguyễn Văn Mại xã Hộ Độ, của ông Trần Văn Thực xã Thạch Bằng, nuôi nghêu Bến Tre của các ông Nguyễn Văn Thiết, Nguyễn Văn Việt, Lê Xuân Hùng xã Mai Phụ, nuôi trồng thủy sản tổng hợp của ông Lê Xuân Hoan xã Thạch Châu… Các mô hình trên lĩnh vực chăn nuôi cũng đã có nhiều bước đột phá rõ rệt cả về quy mô và sản lượng. Bên cạnh sự phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi bò nhốt nông hộ có quy mô từ 10 con trở lên thì đã có những mô hình chăn nuôi lợn liên kết với các doanh nghiệp với quy mô nuôi mỗi lứa trên 2000 con, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt như các mô hình của HTX 27/7 xã Thịnh Lộc, HTX Tân Trường Sinh xã Thạch Mỹ, của ông Phan Văn Sửu xã Tân Lộc, ông Bùi Văn Hợp xã Hồng Lộc… Trên lĩnh vực nông nghiệp, các mô hình sản xuất giống lúa lai BTE1, sản xuất cánh đồng mẫu lúa tại các xã An Lộc, Thạch Mỹ, Hồng Lộc, Ích Hậu, Tân Lộc đã cho năng suất bình quân đạt 90 tạ/ha. Mô hình sản xuất các giống lạc cao sản tại các xã Thạch Châu, Thạch Bằng, Mai Phụ, Bình Lộc đã cho năng suất, sản lượng tăng gấp rưỡi so với trước đây, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân, tạo diện mạo mới trong sản xuất nông nghiệp của huyện nhà. Cùng với lĩnh vực nông nghiệp, trên lĩnh vực dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp cũng đã có nhiều mô hình quy mô lớn, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh như mô hình thu mua chế biến bột cá của HTX Thiên Phú xã Thạch Kim, chế biến ruốc, nước mắm của HTX Ánh Dương xã Hộ Độ, mô hình cấp đông thủy sản tại các xã Thạch Kim, Thạch Bằng.Ngoài các mô hình nêu trên còn rất nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả như mô hình lò giết mỗ gia súc, gia cầm tập trung, sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, trang trại chăn nuôi tổng hợp, làng nghề sản xuất hương, chổi đót, bánh bún... Mặc dù đã đạt được những kết quả nêu trên, song thực tế cho thấy việc xây dựng các mô hình, hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong thời gian qua trên địa bàn huyện còn bộc lộ không ít khó khăn, thách thức. Số mô hình được thành lập mới chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương. Nhiều mô hình quy mô còn nhỏ, năng lực sản xuất hàng hóa và tính cạnh tranh chưa cao, hoạt động còn mang tính tự phát, thiếu bền vững và lâu dài. Một số xã chưa quy hoạch được vùng sản xuất tập trung để phát triển các mô hình lớn, chưa có chính sách kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng mô hình, hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn. Việc huy động nguồn lực và ứng dụng các tiến bộ học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên năng suất và hiệu quả kinh tế của các mô hình quy mô vừa, nhỏ chưa cao, thu nhập của người lao động còn hạn chế. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tuy tương đối đông nhưng hoạt động chưa thực sự mạnh, còn thiếu doanh nghiệp đầu đàn thực thụ, chưa phát huy được lợi thế sản xuất và cạnh tranh, quy mô hoạt động còn nhỏ lẻ, sản lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp… Theo đồng chí Phan Văn Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM huyện, trong thời gian tới việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, hình thức sản xuất kinh doanh của huyện sẽ tiếp tục thực hiện theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm hàng hoá nông nghiệp chủ lực của huyện, ưu tiên cao các sản phẩm có lợi thế như: lợn, bò, tôm, lạc, rau củ quả (3 con, 2 cây) gắn với khai thác lợi thế so sánh theo ba vùng sinh thái trên địa bàn huyện. Theo đó, các xã vùng biển cửa như Hộ Độ, Mai Phụ, Thạch Châu, Thạch Bằng, Thạch Kim và Thịnh Lộc, tập trung xây dựng các mô hình theo hướng tăng cường đầu tư đóng mới tàu cá có công suất lớn để đánh bắt xa bờ; củng cố hạ tầng, tăng diện tích nuôi thâm canh các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao.Quy hoạch các vùng đất chưa sử dụng để xây dựng các trạng trại chăn nuôi, đồng thời chỉnh trang lại vườn hộ, bố trí hợp lý chuồng trại, quy mô sản xuất để phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Tiếp tục tăng cường đầu tư thâm canh để tăng hiệu quả sản xuất lạc; chuyển số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao; quy hoạch, cải tạo, nâng cấp đồng muối để tổ chức sản xuất có hiệu quả. Mô hình trang trại chăn nuôi lợn của HTX 27/7 (Thịnh Lộc) Các xã vùng đồng bằng gồm Ích Hậu, Phù Lưu, Bình Lộc, An Lộc, Tân Lộc, Hồng Lộc, Thạch Mỹ, chú trọng phát triển các mô hình theo hướng tăng cường đầu tư thâm canh, sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa cao, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu ớn, mỗi cánh đồng chỉ sản xuất một giống. Xây dựng, phát triển các mô hình trồng cỏ gắn với phát triển chăn nuôi bò nhốt vỗ béo ở nông hộ với quy mô hợp lý; phát triển chăn nuôi vịt ở các vùng trũng. Vùng gò đồi ven núi Hồng Lĩnh thuộc địa bàn các xã Tân Lộc, Hồng Lộc, Thịnh Lộc, tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi lợn theo hình thức trang trại tập trung quy mô lớn, chăn nuôi các gia súc khác và phát triển mô hình kết hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả với trồng rừng. Phát triển các mô hình trên lĩnh vực lâm nghiệp như trồng các loại cây lấy gỗ có giá trị kinh tế cao... Đối với những nơi không tổ chức được vùng tập trung thì vẫn phát triển sản xuất kinh tế hộ gia đình, trang trại ở quy mô vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, địa phương… Có thể nói, với chủ trương đúng, triển khai tổ chức thực hiện chủ động, sáng tạo với quyết tâm, nổ lực lớn, đồng thuận cao của chính quyền các cấp và người dân, tin tưởng rằng trong những năm tới việc xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục đạt được những kết quả cao hơn, toàn diện hơn. Theo Văn Hân/Lộc Hà |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã