Chịu khó, mạnh dạn và quyết liệt… là ấn tượng để lại khi tiếp xúc với CCB Bùi Quang Minh – Bí thư Chi bộ thôn Bùi Xá, xã Phù Việt. Là một bệnh binh hạng 2, tuổi đã cao, phục viên sau hơn 25 phục vụ quân đội, nhưng khi trở về địa phương, ông vẫn hăng hái tham gia mọi phong trào. Từ một đội trưởng đội sản xuất đến xã đội trưởng và bây giờ là bí thư chi bộ, ở vị trí nào ông cũng say mê, lăn lộn, đầy nhiệt tâm với sự phát triển của địa phương. Bùi Xá trước đây là thôn khó khăn của Phù Việt, việc chuyển đổi đất đai gặp không ít khó khăn do tư tưởng bà con chưa thông.
Mô hình trồng hoa tại thôn Xuân Sơn, xã Bắc Sơn (Thạch Hà) . Ảnh: Bá Tân |
Nhưng những cán bộ xóm như ông Minh đã không quản khó khăn, đến tận nhà tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Giờ đây, sau gần 3 năm xây dựng NTM, Bùi Xá có nhiều khởi sắc với thu nhập bình quân đầu người 25 triệu đồng/năm. Đây cũng là đơn vị đi đầu trong toàn xã với nhiều điểm nổi bật về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi, đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Tích cực hưởng ứng các phong trào của xã Phù Việt, tại thôn Trung Tiến, CCB Nguyễn Bá Kỷ là một trong hàng chục hộ dân tham gia hiến đất mở đường theo chuẩn NTM. Mặc dù gia đình đông con, nhà ở chật chội, nhưng trước chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, ông vẫn 2 lần gương mẫu đi đầu. Những con đường liên xóm được bê tông hóa với bề rộng trên 3,5m. Riêng gia đình ông Kỷ đã phá dỡ tường rào, hiến đến 300 m2 đất. Hơn ai hết, là một người lính đã từng vào sinh ra tử, thấm thía những giá trị của cuộc sống hôm nay, ông cho rằng, sự hy sinh này là hoàn toàn hợp lý, không có gì phải toan tính thiệt hơn.
Đó chỉ là số ít trong hàng trăm mô hình tốt, cách làm hay của những hội viên Hội CCB huyện Thạch Hà trên mặt trận xây dựng NTM. Rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, cũng đối diện với bao vất vả, lo toan, những áp lực của cuộc sống cơm áo… nhưng những chiến binh năm xưa vẫn luôn giữ vững phẩm chất quý giá của người lính Cụ Hồ.
Tại xã Thạch Sơn, một địa phương còn nhiều khó khăn của huyện Thạch Hà, cuộc sống của những hội viên CCB ở đây cũng không nằm ngoài thực tế đó. Cùng với nhiều tổ chức, đoàn thể khác, CCB là một trong những tổ chức tiên phong đi đầu tham gia xây dựng NTM bằng những việc làm cụ thể. Bắt đầu từ việc chuyển đổi nghề cho người dân 2 xóm Sông Hải và Sông Tiến, những hội viên CCB đã mạnh dạn đi đầu xây dựng thành công 12 mô hình nuôi cá lồng bè trên sông. Tuổi đã cao, không còn sức khỏe nhưng họ vẫn lăn lộn, quyết tâm gây dựng, tạo tiền đề, kinh nghiệm để người dân chuyển đổi nghề, nâng cao thu nhập. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ lãi suất và tận dụng phần lớn diện tích mặt nước, Thạch Sơn hiện có gần 200 mô hình nuôi cá lồng bè cho thu nhập từ 50-120 triệu đồng/vụ.
Ông Trương Văn Thành - Chủ tịch Hội CCB huyện Thạch Hà cho biết thêm: Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2013, đã có trên 60 gia đình CCB tham gia hiến gần 2.000 m2 đất, hàng trăm mét tường rào xây dựng NTM. Đặc biệt, trong phát triển kinh tế, Huyện hội có 2 HTX, 10 tổ hợp tác, 10 doanh nghiệp và trên 150 mô hình trang trại, gia trại do CCB làm chủ cho thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động với thu nhập 1,5-3 triệu đồng/người/ tháng. Nhiều địa phương, CCB trở thành lực lượng đi đầu, hình thành các mô hình dân vận khéo “nói dân nghe, nghe dân nói” nhằm tuyên truyền xây dựng đời sống mới.
Thuận Huế
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã