Xác định được điểm mạnh của huyện là phát triển kinh tế vườn đồi, trồng cây ăn quả có múi kết hợp chăn nuôi nhằm tạo đột phát trong lộ trình thực hiện Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ III và lần thứ IV và thực hiện Đề án Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, sản xuất bền vững. Đến nay, toàn huyện đã trồng được 2.225 ha cây ăn trái, trong đó diện tích trồng cam là 1.700 ha, diện tích cho thu hoạch sản phẩm trên 800 ha, năng suất 10-15tấn/ha, sản lượng khoảng 12.000 tấn/năm. Đây là nguồn thu nhập rất lớn cho người dân trên địa bàn.
Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, từ năm 2013-2015, diện tích trồng cây ăn quả (chủ yếu là cây cam chanh, cam bù) tăng lên nhanh chóng. Tổng diện tích trồng mới trong 3 năm là 1.266,12 ha (năm 2013 trồng mới 606,75 ha; năm 2014 trồng mới 339,37 ha; năm 2015 trồng mới 320 ha). Trong quá trình phát triển đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung mang tính sản xuất hàng hóa rõ nét như vùng trồng cam chanh xã Đức Bồng, Đức Lĩnh, Hương Thọ; vùng trồng cam bù nổi tiếng xã Sơn Thọ. Đã xuất hiện nhiều hộ trồng cam cho thu nhập hàng tỷ đồng một năm, điển hình như hộ anh Trần Quốc Viện ở xã Đức Bồng; hộ anh Nguyễn Ngọc Lâm ở xã Đức Lĩnh…
Trong các loại cây có múi, cam là cây chủ lực của huyện Vũ Quang, hiện chiếm trên 71% cơ cấu cây ăn quả của huyện. Cây cam phân bố chủ yếu tại 12 xã, thị trấn trong đó một số xã trồng cam có truyền thống cho năng suất, chất lượng tốt như xã Đức Bồng, Đức Lĩnh, Hương Thọ, Sơn Thọ.
Cây ăn quả có múi đòi hỏi mức độ đầu tư thâm canh cao, chế độ chăm sóc kỹ thuật tỷ mỉ. Phải căn cứ theo tuổi cây, đất đai và sản lượng thu hoạch hàng năm để xác định lượng phân bón cho phù hợp. Những vườn cam có độ dốc cao phải trồng xen các cây che phủ đất để hạn chế xói mòn rửa trôi, trên đỉnh đồi núi cần giữ rừng để giữ độ ẩm cho đất trồng cam. Hàng vụ sản xuất, cán bộ Nông nghiệp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn cam, đặc biệt đối với những gốc cam đã già trên 8 năm tuổi trở lên tập trung thâm canh cao, cắt tỉa cành, tạo tán, bón phân để đạt năng suất trên 150 tạ/ha.
Trong canh tác, nông dân Vũ Quang hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, nhằm hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, sức khoẻ cộng đồng và đảm bảo chất lượng cam. Nông dân cũng thực hiện tốt việc thu gom, tiêu huỷ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo đúng quy định. Đồng thời thực hiện nghiêm nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách) trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó cây có múi ở huyện không dư thuốc bảo vệ thực vật hoặc có ở dưới mức cho phép, bảo đảm an toàn cho người sử dụng, được thị trường ưa chuộng.
Hiện nay, 100% sản lượng cây có múi trên địa bàn toàn huyện được thu hoạch thủ công, cách thức thu hoạch được nông dân thực hiện cẩn thận, hạn chế ảnh hưởng đến mẫu mã của quả, vừa hạn chế đến sinh trưởng của cây năm tiếp theo. Tại các vùng trồng cây có múi tập trung hiện nay, chỉ khoảng 20% sản lượng được sản xuất bán lẻ, còn lại 80% sản lượng được bán buôn. Riêng khu vực xã Đức Bồng, Đức Lĩnh 100%, thương lái thường thu mua cả vườn, chở ra các thành phố lớn trong và ngoài tỉnh. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là Hà Nội, thành phố Vinh, thành phố Hà Tĩnh…
Cán bộ Phòng Nông nghiệp Vũ Quang thăm vườn cam xã Đức Bồng huyện Vũ Quang
Nắm bắt được thế mạnh của địa phương, huyện Vũ Quang đã quy hoạch đến năm 2020, toàn huyện sẽ có khoảng 4.100 ha vùng sản xuất cây ăn quả, trong đó sản xuất cây cam bù, cam chanh chiếm 2.900 ha (71% diện tích). Đồng thời tỉnh, huyện cũng có các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả như Nghị Quyết 90 của HĐND tỉnh; Nghị quyết 05 của HĐND huyện. Các ngành chức năng đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho người dân về giống và kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm để tăng chất lượng, rải vụ sản phẩm nhằm tăng giá trị.
Trong thời gian tới, huyện Vũ Quang có các biện pháp cụ thể hóa bằng các dự án ưu tiên theo quy hoạch phát triển trồng cam tập trung. Trong đó, chú trọng các nội dung: Xây dựng và phê duyệt Đề án phát triển cây ăn quả có múi giai đoạn 2016-2020 (dự kiến hoàn thành vào quý 1/2016); Các hoạt động quan trọng như: quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống, quản lý cây đầu dòng, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển diện tích trồng mới; Tăng cường các giải pháp nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm đi đôi với việc khuyến khích lưu thông, quảng bá, bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm. Hội sản xuất và kinh doanh cam Vũ Quang đã được thành lập với 25 thành viên. Thời gian tới, huyện Vũ Quang chỉ đạo Hội sẽ xây dựng thương hiệu “Cam Vũ Quang” (dự kiến quý 2/2016) sẽ hoàn thành. Bên cạnh đó, huyện cũng có nhiều hoạt động tích cực nhằm hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại, tìm thị trường, đầu ra ổn định cho sản phẩm; tìm kiếm thị trường xuất khẩu./.
Dương Trà Giang
Phòng NN&PTNT Vũ Quang, Hà Tĩnh
http://khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã