Sống giữa rừng núi bao la nhưng người dân vùng tái định cư xã Thọ Điền vẫn thiếu đất sản xuất để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Để giải phóng mặt bằng xây dựng công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, năm 2013, gia đình ông Trần Xuân Cường cùng 136 hộ dân của xã Hương Điền cũ (nay là xã Thọ Điền) đã gương mẫu đi đầu di dời nhà cửa đến với vùng đất tái định cư Khe Ná - Khe Gỗ của xã Sơn Thọ cũ (nay là xã Thọ Điền). Đến nay, ông Cường và các hộ dân vùng tái định cư đã quen với vùng đất mới. Mặc dù đã “an cư” nhưng chưa... “lạc nghiệp”.
Điều làm ông Cường trăn trở là sống giữa đồi núi bao la, đất đai phì nhiêu nhưng không có đất để trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Theo chủ trương của tỉnh và đề án của xã Hương Điền (cũ) thì mỗi nhân khẩu đến vùng tái định cư sẽ được cấp từ 1 đến 1,2 ha đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, gia đình ông với 5 nhân khẩu nhưng mới cấp được 2 ha, còn thiếu đến hơn một nửa diện tích đất lâm nghiệp.
Ông Cường trao đổi với phóng viên.
“Ra vùng tái định cư mới chúng tôi được cấp đất ở, đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đối với vùng nông thôn miền núi, diện tích đất ở mỗi hộ 1.000 m2 là quá nhỏ, không đủ để làm trang trại trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Còn đất nông nghiệp (trồng lúa) thì điều kiện nước tưới khó khăn nên chỉ sản xuất được 1 vụ.
Chúng tôi đã đi học tập các mô hình trong huyện làm giàu từ kinh tế trang trại vườn đồi, vườn rừng, nhưng về không thể làm theo vì không có đất. Vì vậy, chúng tôi tha thiết được cấp thêm đất để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống” – ông Trần Xuân Cường bày tỏ.
Cũng như gia đình ông Cường, gia đình ông Đặng Văn Thân có 6 nhân khẩu nhưng đến nay mới được cấp 3 ha đất lâm nghiệp. Mặc dù có nhà có đủ lao động trong độ tuổi nhưng với từng đó diện tích, gia đình ông Thân cũng chỉ mới đủ ăn, chưa thể làm giàu.
Ông Đặng Văn Thân cho biết, do không có đủ đất sản xuất nên con em trong vùng cũng phải rời quê đi làm thuê, thu nhập rất bấp bênh. Nếu có đủ tư liệu sản xuất, nhiều người chắc chắn sẽ ở lại quê hương để phát triển kinh tế.
Hê thống hạ tầng giao thông nông thôn vùng tái định cư xã Thọ Điền được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ.
Ông Đặng Khánh Trình – Bí thư Đảng ủy xã Thọ Điền cho biết, trên cơ sở diện tích được giao, ngay từ năm 2013 - khi mới sang khu tái định cư, xã đã giao xong đất đợt 1 với diện tích trên 500 ha. Năm 2014, xã xây dựng đề án để giao trên 323 ha đất còn lại cho các hộ dân.
Theo đề án này, căn cứ vào quỹ đất của xã được huyện giao và đối chiếu với những người đủ tiêu chuẩn giao đất thì hiện mỗi khẩu ở vùng này còn thiếu từ 1 đến 1,2 ha đất sản xuất. Tuy nhiên, nhiều năm qua vẫn không thể tiến hành giao vì trong số 323 ha đất chưa giao, có tới trên 228 ha chưa được chuyển đổi từ đất rừng phòng hộ sang đất rừng sản xuất.
Chính quyền và Nhân dân xã Thọ Điền mong muốn các sở, ngành liên quan sớm triển khai làm các thủ tục pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất để cấp cho người dân theo đề án đã được phê duyệt.
“Trước nguyện vọng chính đáng của người dân, UBND xã Thọ Điền và UBND huyện Vũ Quang đã có văn bản kiến nghị với các sở, ngành liên quan sớm triển khai làm các thủ tục pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất để cấp cho người dân theo đề án đã được phê duyệt. Tuy nhiên, đến nay, hồ sơ, thủ tục này vẫn chưa xong. Chính quyền địa phương và người dân thì đang hết sức trông chờ” - ông Đặng Khánh Trình bày tỏ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã