Ông Dụng Quý Đông ở ấp Suối Nhung, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Nói “nhà khoa học” vì ông là nông dân “rặt”, nhưng ông đã cho ra đời cuốn cẩm nang về kỹ thuật chăm sóc cây trồng tặng cho bà con nông dân. Đây đều là những kinh nghiệm thực tế, được ông tích lũy sau hơn 30 năm gắn bó với nông nghiệp.
Ông Đông hiện đang sở hữu 420 ha cây điều ở Bình Phước, Bình Dương. Ông được coi là người có diện tích điều lớn nhất tỉnh Bình Phước tính đến thời diểm này. Trong đó, gần 1 nửa diện tích điều được canh tác theo quy trình hữu cơ bền vững (organic).
Sau khi tìm hiểu tài liệu, tham quan, học hỏi từ những trang trại organic khác, năm 2017, ông Đông bắt tay vào cải tạo môi trường đất, bắt đầu từ việc không dùng bất cứ loại phân bón, hoá chất nào. Thay vào đó, ông dùng các loại phân vi sinh theo khuyến cáo trong các tài liệu và kinh nghiệm từ các trang trại đi trước.
Ông Đông cho biết, canh tác theo quy trình organic, cây điều khoẻ hơn. Quá trình sinh trưởng và kháng bệnh của cây điều chủ yếu là tự nhiên, điều ít sâu bệnh, đặc biệt là chống chịu khô hạn tốt hơn điều canh tác truyền thống.
Để có được những vườn điều đạt chuẩn organic, ông Đông đã đầu tư tiền tỷ cho hệ thống tưới tiêu, gồm ba hồ nước trữ lượng hơn 10.000 m3. Xen kẽ giữa cái hàng cây điều, ông đào những hồ nước nhỏ nhằm hạn chế xói mòn, giữ ẩm, giữ chất dinh dưỡng cho cây và tích nước cho mùa khô.
Phân bón hữu cơ được nhập từ nước ngoài, kết hợp phân xanh ủ từ cỏ, lá cây xanh, cùng một khoản tiền khá lớn đầu tư cho công nghệ đóng gói, bảo quản sau thu hoạch, vận chuyển...
Sau 3 năm giám sát và đánh giá vườn điều chăm sóc theo chuẩn organic của ông Đông, Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã cấp chứng nhận hữu cơ cho quy trình canh tác cây điều tại 3 mô hình vườn điều của ông Dụng Quý Đông ở 2 huyện Bù Đốp, Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, và huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
“Tháng 9/2020, trang trại đã được cấp chứng nhận canh tác organic cho cây điều, và mã code nông dân toàn cầu”, ông Đông cho biết.
Hiện nay, tổng diện tích trồng cây điều của ông Đông là 420 ha, trong đó có 200 ha được chứng nhận organic theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ. Tại xã Tân Hưng (huyện Đồng Phú), 20 ha điều organic của ông Đông khá đẹp, cây phát triển đều, khoẻ và đang trổ bông. Theo ông Đông, ưu điểm của giống điều PN1 là cho năng suất cao, vỏ cứng nhưng mỏng, tỷ lệ thu hồi nhân từ 29 - 33%, hạt thơm, giòn.
Ông Đông khẳng định: “Cây điều canh tác theo phương pháp truyền thống ở Bình Phước cho năng suất bình quân khoảng 1,5 tấn/ha. Điều ghép và quy trình chăm sóc tốt thì cao hơn, có thể đạt từ 2 tấn/ha. Nhưng vườn điều này của tôi có thể đạt 3 tấn/ha. Toàn bộ quy trình canh tác đều theo tự nhiên, không dùng các loại hoá chất”.
Do không sử dụng thuốc diệt côn trùng, nấm gây hại, nên vườn điều của ông Đông có nhiều loại côn trùng có ích cho cây trồng như kiến, ong làm tổ.
Không chỉ có cây điều, trang trại của ông Đông còn trồng nhiều loại trái cây có giá trị cao khác như sầu riêng, bơ boot, măng cụt, bưởi da xanh, xoài, quýt… Tất cả đang canh tác theo chuẩn VietGAP.
“Ngày xưa, Bình Phước có cao su là cây chiến lược, cây làm giàu. Còn cây điều là cây xoá đói giảm nghèo. Nhưng bây giờ khác rồi. Cây điều đã khẳng định vị thế của nó đối với nền kinh tế Bình Phước nói riêng và cà nước nói chung cho nên cần phải đầu tư mạnh cho nó.
Tuy nhiên, không chỉ có điều, còn nhiều loại cây có giá trị khác, chỉ cần chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của việc sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng, thì chắc chắn sẽ có đầu ra, sẽ được đón nhận”, ông Đông nói.
“Ngành điều nói riêng và nông nghiệp nói chung, muốn phát triển mạnh, tăng giá trị sản phẩm và có chỗ đứng trên những thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, cần phải có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu tập trung.
Cần tạo sự liên kết giữa các nhà: Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học và doanh nghiệp trong toàn bộ quy trình từ cây, con giống đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Quan trọng nhất, muốn sản phẩm có mặt ở các siêu thị lớn của Châu Âu, Mỹ thì phải phải canh tác, chăm sóc theo quy trình, có chứng nhận hữu cơ organic”, ông Dụng Quý Đông.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã