Lựa chọn con đường phát triển nông nghiệp hữu cơ chưa bao giờ đơn giản, nhất là vào khoảng 10 năm trước, thời điểm mà loại hình nông nghiệp này vẫn còn xa lạ với nhiều địa phương, nhưng Thừa Thiên – Huế đã kiên định lựa chọn.
Năm 2019, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trong dịp đón nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đi thăm những mô hình nông nghiệp hữu cơ ở đất cố đô, đứng giữa những cánh đồng lúa hữu cơ ở Phù Bài (Thị xã Hương Thủy), giữa những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ở huyện Phong Điền, Chủ tịch Thừa Thiên – Huế chia sẻ: Làm nông nghiệp hữu cơ nếu không quyết liệt, không kiên định thì khó mà thành công được. Nó đòi hỏi lòng tin và định hướng từ những người lãnh đạo cao nhất của địa phương đến từng cán bộ cơ sở.
Thừa Thiên – Huế không chỉ được biết là vùng đất văn hóa, vùng đất có địa chính trị, kinh tế đặc biệt quan trọng mà còn là địa phương có đầy đủ vùng núi và gò đồi, vùng đồng bằng, vùng đầm phá và ven biển, lưu giữ nhiều gen cây trồng đặc sản và nhiều loại thủy hải sản quý hiếm có giá trị. Nông dân Thừa Thiên - Huế thật thà, chịu thương, chịu khó, chăm chỉ làm ăn, nông thôn vẫn giữ được nề nếp truyền thống tình làng nghĩa xóm…
Cũng trong chuyến làm việc tại Thừa Thiên – Huế năm 2019, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường từng nói: Nền nông nghiệp Việt Nam sẽ tái cơ cấu theo 4 hướng là một nền nông nghiệp thông minh, nền nông nghiệp đặc hữu, nền nông nghiệp hữu cơ, nền nông nghiệp kinh tế tuần hoàn. Thừa Thiên - Huế chính là địa phương hoàn toàn phù hợp với định hướng nông nghiệp đó, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ.
“Tạo hóa đất trời, ông cha đã hun đúc nên nơi đây với rất nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử, ẩm thực, du lịch… Thừa Thiên – Huế toàn cây, con đặc sản, đặc hữu. Một di sản văn hóa đầy ắp, các thiết chế văn hóa đậm đặc kết hợp với đôi bờ sông Hương, nơi lưu giữ bao nhiêu gen cây trồng vật nuôi đặc sản là lợi thế làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đặc hữu hiếm có địa phương nào có được.
Với lượng khách du lịch mỗi một năm khoảng 6 triệu lượt, chỉ cần phục vụ nhu cầu này hoàn toàn không phải lo vấn đề thị trường”, nguyên Tư lệnh ngành nông nghiệp nhiệm kỳ 2016 - 2021 khẳng định.
Thực ra từ nhiều năm trước, Thừa Thiên – Huế đã xác định, với việc còn lưu giữ hơn 200 món ăn cung đình và truyền thống dân gian được nâng lên thành văn hóa ẩm thực, nông nghiệp hữu cơ sẽ là điều kiện để hướng tới xây dựng Huế trở thành "kinh đô ẩm thực của Việt Nam".
Khát vọng đó chính là căn cơ để Thừa Thiên – Huế phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, hướng tới xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Tuy nhiên cái khó của nông nghiệp hữu cơ là xây dựng lòng tin, đòi hỏi phải làm thật sự, phải kiên định trong bối cảnh “thằng giả phá thằng thật” quá nhiều. Thành thử, muốn hiện thực khát vọng nông nghiệp hữu cơ, lãnh đạo Thừa Thiên – Huế đặt ra mục tiêu phải lựa chọn được doanh nghiệp làm thật để xây dựng các mô hình liên kết, từ đó lan tỏa, mở rộng sản xuất, vừa thay đổi tư duy người nông dân vừa thay đổi tư duy cả cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước.
Sau thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu, Thừa Thiên – Huế liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, một doanh nghiệp hàng đầu với bề dày hơn 30 năm kinh nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ.
Năm 2013, Quế Lâm đã nghiên cứu xây dựng nhà máy phân bón hữu cơ vi sinh, nghiên cứu các giống lúa, cây trồng theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, sau ký kết với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về hợp tác đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, Quế Lâm đã tập trung nguồn vốn, nhân lực cùng với nông dân các hợp tác xã để xây dựng và phát triển nông nghiệp hữu cơ đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đúc rút, ngay từ những ngày đầu hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm, Thừa Thiên – Huế làm đủ mọi cách để cả hệ thống chính trị các cấp cùng vào cuộc.
Từ Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra, làm việc, động viên khích lệ các mô hình trồng lúa hữu cơ, chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học. Đi kèm với đó là những chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.
Ở cấp huyện, lãnh đạo địa phương trực tiếp chỉ đạo chọn hợp tác xã, hộ nông dân để ký hợp tác liên kết với doanh nghiệp, xác định lộ trình bước đi cụ thể. UBND các xã, phường, thị trấn đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con xã viên và nông dân tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.
Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Sở KH-CN cùng các đoàn thể cùng tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động nông dân về lợi ích của phát triển nông nghiệp hữu cơ và sử dụng nông sản hữu cơ.
“Những biên bản hợp tác với các huyện, thị xã, các hợp tác xã và hộ nông dân về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân thay đổi nhận thức, đặc biệt, thay đổi nhận thức của cán bộ chủ chốt, cán bộ của ngành NN-PTNT về phát triển nông nghiệp hữu cơ”, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định.
Về phía Tập đoàn Quế Lâm, cán bộ của họ đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân, hướng dẫn nông dân xây dựng quy trình kỹ thuật nông nghiệp, định kỳ giao lưu, tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã và nông dân.
Quế Lâm cũng đã có chính sách đầu tư hơn 80% vốn cho nông dân, luôn nhận rủi ro về mình khi xảy ra sự cố. Tất cả nhằm khuyến khích nông dân yên tâm làm nông nghiệp an toàn.
Sau gần 10 năm miệt mài, kiên định với con đường nông nghiệp hữu cơ, giờ đây có thể thể khẳng định, chiến lược nông nghiệp của Thừa Thiên – Huế là đúng đắn. Bằng chứng là những thành tựu từ các mô hình liên kết sản xuất. Đây có lẽ là địa phương duy nhất đến thời điểm này đã hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên – Huế chia sẻ: Sự quyết liệt, kiên trì của cả hệ thống chính trị và doanh nghiệp từng bước giúp các hộ nông dân, hợp tác xã chuyển đổi từ tập quán canh tác cũ chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp có trách nhiệm.
Ngoài ra, với sự hình thành các chuỗi siêu thị nông sản hữu cơ, đã làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Ngoài việc đã ban hành chính sách hỗ trợ, sắp tới Thừa Thiên - Huế sẽ hoàn thiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ và lồng ghép vào Chương trình Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 để xây dựng thí điểm Làng nông nghiệp hữu cơ.
Cụ thể, từ những thành công của các mô hình chăn nuôi nông hộ, Quế Lâm đã hình thành Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F ở xã Phong Thu, huyện Phong Điền với mục đích cung cấp lợn nái hậu bị, lợn con giống, tinh lợn giống cho nông dân, điều phối sản phẩm thịt lợn trên thị trường để chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy.
Xây dựng trạm sản xuất tinh lợn, hoàn thiện nhà máy thức ăn chăn nuôi công suất 50.000 tấn/năm. Năm 2022 sẽ hoàn thành nhà máy sản xuất men vi sinh liên kết Nhật Bản để khép kín và chủ động trong tất cả các khâu chuỗi giá trị chăn nuôi lợn.
Về chuỗi giá trị sản xuất lúa, gạo hữu cơ, Quế Lâm và Thừa Thiên – Huế đã xây dựng 9 mô hình hợp tác xã với trên 300 ha lúa, liên kết người nông dân xây dựng hàng nghìn ha lúa theo chuỗi giá trị. Liên kết sản xuất 200 ha ngô, đậu tương ở huyện A Lưới, Quảng Điền làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tạo thành chu trình khép kín để chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến thức ăn gia súc.
Liên kết với xã Phong Thu (huyện Phong Điền) xây dựng hợp tác xã thanh trà hữu cơ, liên kết xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) trồng thử nghiệm khoai lang hữu cơ, dưa hấu hữu cơ, mở rộng và tiến tới xây dựng chuỗi giá trị rau, củ, quả…
Để tiêu thụ hàng ngàn tấn lúa, gạo, hàng trăm tấn thịt lợn và các loại nông sản khác, Quế Lâm cũng đã xây dựng hệ thống tiêu thụ, phát triển thị trường trên toàn quốc hướng vào các trường học, nhà trẻ, bệnh viện, các khu công nghiệp. Hai mặt hàng chủ lực là thịt lợn hữu cơ, gạo hữu cơ của Huế đã có mặt ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số thành phố trên cả nước.
Tại Thừa Thiên - Huế, Quế Lâm đưa vào hoạt động hai siêu thị Nông sản hữu cơ Quế Lâm, liên tục mở rộng chuỗi cửa hàng nông sản sạch nhằm phục vụ người tiêu dùng và đảm bảo đầu ra nông sản cho người nông dân.
Một chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản hữu cơ khép kín ở Thừa Thiên – Huế đã trở thành mô hình thu hút nhiều tỉnh đến tham quan, học tập.
Thực tiễn ở Thừa Thiên – Huế đã thể hiện, sản xuất nông nghiệp hữu cơ qua các mô hình liên kết mang lại những lợi ích rất rõ rệt. Thứ nhất là góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn sức khỏe cộng đồng. Thứ hai là nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Thứ ba là kinh tế.
Cả phương thức chăn nuôi và trồng trọt của Quế Lâm đều bằng công nghệ vi sinh, vừa giải quyết được bài toán môi trường, vừa là nền tảng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.
Với quan điểm mỗi hộ chăn nuôi lợn hữu cơ liên kết với Quế Lâm là một nhà máy phân bón hữu cơ vi sinh, tất cả phế thải trong chăn nuôi trở thành phân bón hữu cơ vi sinh tại chuồng, tại nhà, tại ruộng để bón trở lại cho cây trồng tạo ra một vòng tuần hoàn. Đất được tích tụ dinh dưỡng, hiệu quả sử dụng cao và cây trồng ít sâu bệnh.
Về kinh tế, hợp tác xã liên kết với Quế Lâm đều ký kết biên bản đầu vào, đầu ra ổn định giúp nông dân yên tâm sản xuất. Hiện tại lúa hữu cơ người dân sản xuất được thu mua với giá ổn định 8.000 đồng/kg, trong khi đó lúa sản xuất truyền thống chỉ 6.000 đồng/kg. Giá lợn hơi hữu cơ thu mua ổn định 65.000 đồng/kg, bất chấp những biến động của thị trường.
“Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn thì vật tư đầu vào đóng vai trò quan trọng và quyết định. Với hệ thống nhà máy phân bón hữu cơ vi sinh công suất trên 500.000 tấn/năm, riêng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế công suất trên 50.000 tấn/năm, Quế Lâm luôn đảm bảo để cung cấp không chỉ riêng Thừa Thiên – Huế, các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên mà còn nhiều khu vực khác trong cả nước”, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ.
Với mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, Thừa Thiên - Huế ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, trong buổi làm việc mới đây với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị tỉnh cần ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn, nhất là nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp vi sinh, nông nghiệp công nghệ cao hướng tới xây dựng đô thị Thừa Thiên - Huế xanh và bền vững.
Để cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng, Thừa Thiên – Huế đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ ưu tiên hợp tác cải tạo đồng ruộng, nâng cao độ phì của đất để hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ.
Trước mắt là tổ chức bón lót phân hữu cơ vi sinh cho các huyện đồng bằng, giảm bớt phân bón vô cơ và chất thải nông nghiệp. Củng cố, mở rộng các mô hình liên kết với Quế Lâm, phấn đấu mỗi huyện, thị xã có năm hợp tác xã trồng lúa hữu cơ, 30 – 50 hộ nuôi lợn hữu cơ…
Song song đó, hợp tác, liên kết xây dựng thôn sản xuất an toàn, xã sản xuất an toàn tiến tới huyện sản xuất an toàn. Đào tạo cán bộ, kỹ sư nông nghiệp hữu cơ cho các huyện, thị xã và ngành nông nghiệp của tỉnh. Hoàn thiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn giai đoạn 2021 – 2025 của Thừa Thiên - Huế.
Tỉnh cũng kiến nghị với Bộ NN-PTNT chọn Thừa Thiên - Huế để xây dựng mô hình điểm về sản xuất an toàn và có chính sách hỗ trợ nông dân Thừa Thiên - Huế bón lót phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đồng ruộng, tăng độ phì của đất dưới hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm nhằm hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững…
Không xa nữa, có thể Thừa Thiên – Huế sẽ trở thành tỉnh điểm về nông nghiệp hữu cơ đầu tiên của cả nước.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã