Trong thời gian gần đây, cây mãng cầu gai được xem là cây trồng tiềm năng nhất trên địa bàn thị xã Ngã Năm, bởi không những thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng mà cây mãng cầu gai còn được người dân thị xã Ngã Năm sáng tạo thành những sản phẩm rất đặc trưng, phát huy các giá trị của cây mãng cầu từ lá, hoa, trái,... Tính đến nay, đã có 05 sản phẩm từ cây mãng cầu gai đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 03 sản phẩm đạt chuẩn 04 sao và 02 sản phẩm đạt chuẩn 03 sao, các sản phẩm này đang được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Ông Dương Minh Trung – Giám đốc công ty trà Mãng cầu gai Cẩm Thiều, bộc bạch: “Là một người con sống trong gia đình có truyền thống trồng cây mãng cầu gai, từ năm 2013 nhìn thấy cây mãng cầu gai mặc dù có lợi ích kinh tế nhưng đầu ra còn hạn hẹp, để phát triển mạnh mẽ và bền vững chúng tôi suy nghĩ phải sáng tạo, tìm con đường đi mới cho cây mãng cầu gai. Từ đó, chúng tôi cho sản xuất và thử nghiệm các sản phẩm mới như trà mãng cầu, mứt mãng cầu, mãng cầu sấy, các sản phẩm này đã được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá rất cao, góp phần ổn định đầu ra, giúp người nông dân địa phương tăng thu nhập, cải thiện đời sống”. Trước khi tham gia chương trình OCOP, giá trái mãng cầu gai không ổn định, dao động từ 8.000 - 15.000 đồng/kg, đến nay, từ tiếng vang của Chương trình, giá thu mua rái mãng cầu gai đã ổn định từ 15.000 – 20.000 đồng/kg. Hàng tháng, các cơ sở kinh doanh sản xuất trên địa bàn thị xã Ngã Năm sản xuất hơn 500 kg trà tương đương với sản lượng nguyên liệu trái tươi từ 05 tấn trở lên. Với những hiệu quả kinh tế mang lại, diện tích trồng mãng cầu gai ở thị xã Ngã Năm không ngừng tăng lên, đến nay đã tăng lên trên 350 ha. Đặc biệt, địa phương còn hình thành vùng sản xuất theo chương trình Việt Gap, giúp tạo ra các sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Hình 1. Nông dân chăm sóc vườn mãng cầu gai nguyên liệu
Hình 2. Đóng gói trà mãng cầu
Ngoài sản phẩm từ cây mãng cầu gai, thị xã Ngã Năm còn nổi tiếng với các sản phẩm lúa gạo, như sản phẩm “Gạo Sữa An Cư” tại xã Tân Long, được làm từ giống lúa OM 4900, đạt chứng nhận OCOP 03 sao rất hấp dẫn người tiêu dùng về chất lượng gạo ngon, dẻo cơm và hương vị đậm đà. Hiện sản phẩm này đang được bán với giá từ 16.000 -18.000 đồng/kg, cao hơn 35% so với giá gạo thông thường của giống OM4900. Từ đó, nâng giá trị hạt lúa ở địa phương và tăng thu nhập cho nông hộ nằm trong vùng nguyên liệu sản xuất lúa. Ông Trần Văn Cư - Chủ Doanh Nghiệp, chia sẻ: “Tham gia Chương trình OCOP rất hay, mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể, như đối với sản phẩm gạo của chúng tôi, có cơ sở và điều kiện để đánh giá thông số chất lượng của hạt gạo. Giấy chứng nhận OCOP như tờ giấy thông hành của sản phẩm trên thị trường, như một cam kết về chất lượng của sản phẩm”.
Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020. Tính đến nay, toàn thị xã đã có 06 sản phẩm OCOP, hiện những sản phẩm này đang được doanh nghiệp và chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp để nâng cấp lên 4 sao và 5 sao. Đồng thời, thị xã đang lập hồ sơ chứng nhận thêm sản phẩm Mắm cá rô không xương ở xã Tân Long và Mắm tép ở Phường 3. Ngoài ra, địa phương còn tiến hành khảo sát, khai thác hai sản phẩm tiềm năng khác là du lịch Chợ nổi Ngã Năm và Đan chiếu truyền thống ở xã Mỹ Quới. Ông Hồng Minh Nhật - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục rà soát, đánh giá những sản phẩm chủ lực, tiềm năng và lợi thế của thị xã chưa tham gia vào khâu chế biến để nâng giá trị gia tăng, tiếp tục tập huấn cho hộ nắm được các chủ trương, chính sách và thủ tục liên quan đến phát triển những sản phẩm OCOP. Đồng thời, phân công thành viên hội đồng OCOP tiến hành hỗ trợ những chủ thể OCOP về thực hiện nâng chất những sản phẩm và phát triển những sản phẩm OCOP mới, quan tâm hỗ trợ cho chủ thể OCOP tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh”
Ngã Năm vẫn còn nhiều tiềm năng khá lớn trong sản xuất nông nghiệp đang chờ khai thác và chương trình mỗi xã phường một sản phẩm đã góp phần thúc đẩy liên kết sản xuất ở địa phương, giới thiệu cho bạn bè trong vùng biết đến những đặc sản của vùng quê sông nước này. Đồng thời, xây dựng thương hiệu đặc trưng của vùng miền và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã